Bị can, Bị cáo là những thuật ngữ quen thuộc trong một vụ án hình sự được pháp luật quy định theo từng giai đoạn tố tụng. Tuy nhiên, có không ít người hay nhầm lẫn và chưa phân biệt được hai thuật ngữ này sẽ gọi trong thời điểm nào là đúng.
Quyền và nghĩa vụ của Bị can, Bị cáo được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?
Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về các vấn đề này qua bài viết dưới đây. Mời các bạn tham khảo.
MỤC LỤC
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
1. Khái niệm Bị can và Bị cáo
Căn cứ khoản 1, Điều 60, khoản 1 Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, các khái niệm Bị can, Bị cáo được định nghĩa như sau:
– Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự.
– Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự.
Nhìn chung, đặc điểm cơ bản và dễ phân biệt nhất giữa hai khái niệm Bị can và Bị cáo này là tư cách pháp lý của họ trong vụ án hình sự ở những thời điểm, giai đoạn tố tụng khác nhau.
Cá nhân, pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố thì gọi là bị can. Còn cá nhân, pháp nhân bị đưa ra xét xử thì gọi là bị cáo. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của Bị can, Bị cáo cũng sẽ có một số quy định khác nhau.
2. Bị can và Bị cáo có quyền và nghĩa vụ gì
2.1. Quyền và nghĩa vụ của bị can
Theo khoản 2, Điều 60 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 quy định về quyền của bị can, cụ thể:
a) Được biết lý do mình bị khởi tố;
b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
c) Nhận quyết định khởi tố bị can; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
d) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
g) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
h) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
i) Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu;
k) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
l) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã;
m) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2.2. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo
Theo khoản 2, Điều 61 Bộ Luật Tố tụng Hình Sự 2015 quy định về quyền của bị can, cụ thể:
a) Nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
b) Tham gia phiên tòa;
c) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
d) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa;
đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
g) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
h) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
i) Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;
k) Nói lời sau cùng trước khi nghị án;
l) Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;
m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
p) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã;
q) Chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án.
Tham khảo thêm:
- Che giấu tội phạm có chịu trách nhiệm Hình sự không?
- Các điều kiện được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù?
- 09 trường hợp bị hoãn xuất cảnh?
3. Điểm giống và khác nhau giữa Bị can và Bị cáo
3.1. Sự giống nhau
Bị can và Bị cáo có những điểm chung trong quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định như sau:
– Quyền và nghĩa vụ của Bị can và Bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó.
– Bị can và Bị cáo đều là đối tượng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
– Bị can, Bị cáo đều được thực hiện các quyền và nghĩa vụ như nhau theo quy định tại Điều 60, Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Ví dụ như quyền được tự bào chữa, nhờ người bào chữa; Đưa ra chứng cứ, tài liệu; quyền được khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan,người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, v.v.
3.2. Sự khác nhau
Stt | Tiêu chí so sánh | Bị can | Bị cáo |
01 |
Khái niệm | Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự | Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử |
02 | Giai đoạn tham gia tố tụng | Giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố. | Giai đoạn xét xử |
03 | Quyền và nghĩa vụ |
Do tùy thuộc vào giai đoạn tố tụng nên Bị can có một số quyền, nghĩa vụ đặc trưng như: Được biết lý do bị khởi tố; Nhận quyết định khởi tố Bị can; Quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, v.v. (Điều 60 BLHS) |
Giải quyết một vụ án hình sự sẽ trải qua nhiều giai đoạn, đối với Bị cáo thì trước đó họ đã là Bị can theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, do vậy các quyền và nghĩa vụ của bị cáo sẽ phát sinh tương ứng với giai đoạn Tòa án có quyết định mở phiên toà xét xử, ví dụ như: Tham gia phiên Tòa; kháng cáo bản án; Nói lời sau cũng trước khi nghị án; v.v. (Điều 61 BLHS) |
04 | Cơ sở pháp lý | Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 | Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 |
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về phân biệt khái niệm Bị can, Bị cáo và các vấn đề có liên quan.
Nếu Quý khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.