Bên cạnh cá nhân thì pháp nhân cũng là một chủ thể rất phổ biến của các giao dịch dân sự được quy định trong Bộ luật Dân sự. Vậy pháp nhân là gì? Để một tổ chức có tư cách pháp nhân thì phải đảm bảo các điều kiện gì? Bài viết dưới đây Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn tìm hiểu về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý: Bộ luật Dân sự 2015.
1. Pháp nhân là gì
Khái niệm pháp nhân vẫn chưa được quy định một cách cụ thể trong luật. Tuy nhiên theo Khoản 1, Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các điều kiện cơ bản để hình thành một pháp nhân như sau:
“1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập...”
Như vậy, có thể hiểu rằng pháp nhân là một tổ chức có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội,… theo quy định của pháp luật. Một tổ chức có tư cách pháp nhân thì tổ chức đó sẽ có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một pháp nhân mà luật quy định.
MỤC LỤC
2. Điều kiện để có tư cách pháp nhân
Như ở mục 1 đã nêu về các điều kiện phải có để được công nhận là pháp nhân, sau đâu là các phân tích chi tiết. Để trở thành pháp nhân thì công ty phải đáp ứng 04 điều kiện như sau:
2.1. Pháp nhân phải được thành lập hợp pháp
Theo quy định thì pháp nhân là một tổ chức chứ không phải là một cá nhân. Căn cứ theo Điều 82 Bộ luật Dân sự 2015, tổ chức này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập. Trường hợp nếu tổ chức thành lập không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền thì coi như không hợp pháp và sẽ không được coi là pháp nhân.
2.2. Cơ cấu tổ chức chặt chẽ
Cơ cấu tổ chức của pháp nhân được quy định tại Điều 83 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
– Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
– Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, pháp nhân phải có điều lệ hoạt động rõ ràng, có cơ cấu tổ chức cụ thể, có người đại diện theo pháp luật để nhân danh cho pháp luật thực hiện các giao dịch.
Tổ chức là một nhóm người có cùng chung mục đích và lợi ích được thành lập với những chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn để thực hiện một mục đích nào đó. Cơ cấu tổ chức chặt chẽ là phải có sự sắp xếp, phân bổ nguồn lực vào các bộ phận như phòng, ban, v.v và quy định rõ những chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận. Khi có cơ cấu tổ chức chặt chẽ sẽ giúp cho pháp nhân trở thành một thể thống nhất, vận hành và hoạt động một cách có hiệu quả.
Ví dụ: Công ty Cổ phần B trở thành pháp nhân thì trước đó, trong hồ sơ thành lập, điều lệ hoặc quyết định thành lập pháp nhân khác phải quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cá nhân, tổ chức điều hành pháp nhân gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh để kiểm tra và xem xét chấp nhận.
2.3. Pháp nhân phải có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình
2.3.1. Phải có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác
Pháp nhân là một tổ chức độc lập, để có thể đảm bảo việc thực hiện quyền và nghĩa vụ khi tham gia quan hệ dân sự thì bắt buộc phải có một khối lượng tài sản nhất định. Pháp nhân phải có tài sản độc lập là tất cả các loại tài sản mà pháp nhân sở hữu, khi đó mới có thể tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các giao dịch, quyền và nghĩa vụ mà nó xác lập.
Theo Điều 81 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp của: Chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu.
2.3.2. Tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình
Căn cứ Khoản 2 và Khoản 3, Điều 87 Bộ luật Dân 2015 quy định về trách nhiệm dân sự như sau:
– Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
– Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như vậy có thể hiểu rằng, pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho thành viên đối với nghĩa vụ dân sự do thành viên xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, còn thành viên thì không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện.
Các thành viên của pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản của mình đã đóng góp vào pháp nhân, điều này đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể pháp luật và cũng là một yếu tố để phân biệt pháp nhân với thể nhân.
2.4. Pháp nhân nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập
Pháp nhân có thể nhân danh mình tham gia vào các quan hệ một cách độc lập thông qua người đại diện pháp luật. Đây là một cá nhân có quyền thực hiện các giao dịch dân sự phát sinh trong quá trình hoạt động
Pháp nhân là một tổ chức độc lập, được quyền giao dịch, xác lập quyền và nghĩa vụ nên bắt buộc nó có thể tự nhân danh chính mình.
3. Phân loại pháp nhân
Theo các quy định hiện hành, pháp nhân thường được chia ra làm 02 loại như sau:
3.1. Pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại là loại pháp nhân có mục tiêu chính là tạo ra lợi nhuận và khoản lợi nhuận đó chia cho các thành viên theo Điều 75 Bộ luật dân sự 2015.
Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật doanh nghiệp và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
3.2. Pháp nhân phi thương mại
Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.
Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.
Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về cơ cấu, tổ chức của pháp nhân theo quy định. Nếu Quý khách hàng có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.