Trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, không phải lúc nào nào mọi thứ cũng diễn ra suôn sẻ, nhiều doanh nghiệp gặp phải không ít khó khăn, thách thức vì nhiều lý do khác nhau.
Khi công ty không thể tiếp tục hoạt động thì việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh của công ty là một lựa chọn hợp lý nếu các chủ sở hữu chưa hoặc không muốn giải thể doanh nghiệp của mình.
Thủ tục này nếu không nắm rõ các thủ tục và hồ sơ theo quy định để thực thì công ty sẽ gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian trong quá trình đăng ký tạm ngừng kinh doanh của công ty.
Vậy thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh của công ty được pháp luật quy định như thế nào?
Trong bài viết này, Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo!
MỤC LỤC
Căn cứ pháp lý
1. Các quy định chung về tạm ngừng hoạt động kinh doanh
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì tạm ngừng kinh doanh được quy định như sau:
“Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp.
Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Vậy có thể hiểu tạm ngừng kinh doanh là việc doanh nghiệp chuyển tình trạng pháp lý từ đang hoạt động sang tình trạng tạm ngừng hoạt động.
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn tồn tại nhưng doanh nghiệp không được tiến hành hoạt động kinh doanh.
2. Thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh của công ty
Khi doanh nghiệp muốn đăng ký tạm ngừng kinh doanh thì việc tạm ngừng kinh doanh được thực hiện theo các bước sau:
2.1. Về hồ sơ tạm ngừng hoạt động kinh doanh
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tạm ngừng hoạt động kinh doanh
Cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, tài liệu có liên quan để thực hiện thủ tục tạm ngừng hoạt động công ty.
Hồ sơ sẽ tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp, cụ thể như sau:
a. Đối với Công ty TNHH 01 thành viên
- Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh (theo mẫu Phụ lục II-19 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty về việc tạm ngừng kinh doanh;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của người thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh: CMND/CCCD/Hộ chiếu;
- Giấy ủy quyền (trường hợp uỷ quyền cá nhân khác nộp hồ sơ).
b. Đối với Công ty TNHH 02 thành viên trở lên
- Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh (theo mẫu Phụ lục II-19 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);
- Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh;
- Biên bản họp của hội đồng thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của người thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh: CMND/CCCD/Hộ chiếu;
- Giấy ủy quyền (trường hợp uỷ quyền cá nhân khác nộp hồ sơ).
c. Đối với Công ty Cổ phần
- Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh (theo mẫu Phụ lục II-19 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);
- Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị về việc tạm ngừng kinh doanh;
- Biên bản họp của hội đồng quản trị về việc tạm ngừng kinh doanh;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của người thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh: CMND/CCCD/Hộ chiếu;
- Giấy ủy quyền (trường hợp uỷ quyền cá nhân khác nộp hồ sơ).
d. Đối với Công ty Hợp danh
- Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh (theo mẫu Phụ lục II-19 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);
- Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh;
- Biên bản họp của hội đồng thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của người thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh: CMND/CCCD/Hộ chiếu;
- Giấy ủy quyền (trường hợp uỷ quyền cá nhân khác nộp hồ sơ).
Bước 2: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ hợp lệ, công ty tiến hành nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch- Đầu tư nơi mà doanh nghiệp đã đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trước đó.
2.2. Về hình thức nộp hồ sơ tạm ngừng hoạt động kinh doanh
Cách 1: Công ty nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Cách 2: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh qua mạng
Việc nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh qua mạng được thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Đăng ký tài khoản truy cập Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
- Bước 2: Đăng nhập, nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh qua mạng
Trên thanh menu công cụ chọn Đăng ký doanh nghiệp => Phương thức nộp hồ sơ => Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp/đơn vị trực thuộc => Nhập mã số thuế doanh nghiệp => Vai trò người nộp hồ sơ => Thông tin về Người đại diện pháp luật/Người đứng đầu đơn vị trực thuộc => Tạm ngừng kinh doanh.
Tiếp theo bạn điền thông tin vào các trường “Khối dữ liệu” và chọn “Văn bản đính kèm” => chọn các hồ sơ đính kèm tương ứng.
- Bước 3: Kiểm tra dữ liệu trước khi nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh qua mạng
Nếu hồ sơ còn thiếu thông tin chưa hoàn thiện, hệ thống sẽ báo lỗi và yêu cầu bạn hoàn thành trước khi nộp hồ sơ.
- Bước 4: Hoàn tất và ký nộp hồ sơ
Nhấn chọn Chuẩn bị => Ký số/xác thực bằng tài khoản ĐKKD => Nộp hồ sơ vào phòng ĐKKD.
Sau khi đã nộp thành công, hồ sơ sẽ chuyển sang trạng thái “Đã tiếp nhận trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia”. Hồ sơ sẽ được chuyển về tài khoản của Phòng ĐKKD để xử lý hồ sơ và được phản hồi kết quả về email đã đăng ký sau 3 ngày làm việc.
Bước 3: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ tạm ngừng kinh doanh công ty
Sau khi nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận tạm ngừng kinh doanh cho doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo cho doanh nghiệp yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Bước 4: Chính thức tạm ngừng hoạt động kinh doanh của công ty
Sau khi nhận được thông báo tạm ngừng kinh doanh, hoạt động của công ty sẽ bị tạm ngừng từ thời gian được ghi trên thông báo, công ty chỉ được phép hoạt động trở lại sau khi hết thời hạn tạm ngừng hoặc có thể đề nghị đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Trong trường hợp doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp và tình trạng của tất cả các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh.
Bạn có thể quan tâm:
- Dịch vụ Luật sư Riêng cho Doanh nghiệp;
- 08 Biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp trong thủ tục phá sản;
- Thủ tục đầu tư ra nước ngoài.
3. Các lưu ý khi tạm ngừng hoạt động công ty
Khi tạm ngừng hoạt động công ty, công ty cần lưu ý các vấn đề sau:
3.1. Thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về tạm ngừng kinh doanh như sau:
Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Vậy khi doanh nghiệp muốn tạm ngừng kinh doanh thì bắt buộc phải có thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Thông báo này phải bao gồm các thông tin sau:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Ngành, nghề kinh doanh;
- Ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng;
- Lý do tạm ngừng hoạt động kinh doanh.
3.2. Thời hạn tạm ngừng hoạt động kinh doanh
Căn cứ khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh như sau:
“1. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.”
Theo đó, doanh nghiệp được tạm ngừng kinh doanh không quá 01 năm cho mỗi lần thông báo. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh.
Như vậy, theo quy định tại Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP không giới hạn về tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp. Doanh nghiệp chỉ cần thông báo trước 03 ngày làm việc về việc tạm ngừng kinh doanh và thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo thì không được quá 01 năm.
3.3. Nghĩa vụ nộp thuế, thanh toán các khoản nợ khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh
Căn cứ Khoản 3, Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Như vậy, khi doanh nghiệp đã thực hiện việc tạm ngừng kinh doanh thì doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ phải nộp thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khi doanh nghiệp còn nợ; tiếp tục việc thanh toán các khoản nợ cũng như hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh của công ty theo quy định của pháp luật và các vấn đề liên quan.
Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.