Trong đời sống hàng ngày, cá nhân phải tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự bằng chính năng lực hành vi của mình, tự chịu trách nhiệm về các giao dịch mà mình đã xác lập đó. Đối với một người bình thường có đầy đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ, khi họ xác lập, thực hiện các giao dịch thì họ sẽ không gặp quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đối với những người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì họ không thể tự mình tham gia xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự bằng hành vi của. Trong trường hợp này, pháp luật quy định họ sẽ tham gia các giao dịch như thế nào? Bài viết dưới đây Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý: Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
MỤC LỤC
1. Người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi theo pháp luật
Những người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khác với người mất năng lực hành vi dân sự. Vì người mất năng lực hành vi dân sự không có khả năng để nhận thức và hành động một cách đúng đắn theo ý chí, nên họ không có đủ khả năng để hiểu và làm chủ được hành vi của mình. Đối với người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi, họ không mất hoàn toàn khả năng nhận thức làm chủ hành vi.
Theo khoản 1, Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, cụ thể như sau:
“Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”.
Ví dụ: Anh A do bị trải qua cú sốc, dẫn đến ảnh hưởng khả năng nhận thức, làm chủ hành vi, trong khoảng thời gian chữa bệnh hay nóng tính kêu gào, sau đó người này phục hồi hoặc không thề phục hồi hoàn toàn nên có lúc nhận thức, làm chủ được được hành vi, có lúc không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Anh A được kết luận là người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi và được Tòa án tuyên bố Anh A là người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi.
2. Căn cứ xác định người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo pháp luật
Việc xác định người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 phải có các dấu hiệu như:
– Khả năng nhận thức và điều khiển hành vi: Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự;
– Có yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan
– Có kết luận giám định pháp y tâm thần về mức độ khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
– Quyết định của Tòa án tuyên bố người này có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.
Như vậy một người chỉ được coi là có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi khi có quyết định tuyên bố của Tòa án dựa trên yêu cầu của người đó hoặc người có quyền và lợi ích liên quan và có kết luận của cơ sở kết luận giám định pháp y.
3. Người giám hộ, chỉ định người giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Theo quy định tại khoản 1, Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015: “Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.”
Theo khoản 4, Điều 54 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc cử, chỉ định người giám hộ cho người có khó khăn về nhận thức và làm chủ hành vi, việc cử, chỉ định người giám hộ được tuân thủ theo các nguyên tắc như sau:
Trừ trường hợp áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật Dân sự 2015, người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi do Tòa án chỉ định trong số những người giám hộ quy định tại Điều 53 của Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp không có người giám hộ theo quy định trên,Tòa án chỉ định người giám hộ hoặc đề nghị một pháp nhân thực hiện việc giám hộ.
Trong đó, Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.”
Đối với điều kiện của cá nhân hoặc tổ chức làm người giám hộ sẽ theo quy định tại Điều 49 và Điều 50 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó:
Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
– Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
– Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
– Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Pháp nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
– Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.
– Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Trên đây là bài viết tham khảo của Luật sư A&An về Người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Nếu Quý khách hàng có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.