Mất năng lực hành vi dân sự là một khái niệm pháp lý quan trọng trong pháp luật Dân sự.
Người mất năng lực hành vi dân sự sẽ không thể tham gia các quan hệ pháp luật, thực hiện các giao dịch dân sự một cách bình thường, nhiều vụ việc dân sự việc xác đinh việc một người có bị mất năng lực hành vi hay không là mấu chốt của kết quả tranh chấp dân sự.
Bài viết dưới đây Luật sư A&An sẽ cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn tổng quan về khái niệm này và các vấn đề pháp lý liên quan. Xin mời các bạn tham khảo!
MỤC LỤC
1. Trước hết, năng lực hành vi dân sự là gì?
Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật dân sự, cụ thể:
“Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Vậy có thể hiểu rằng, năng lực hành vi dân sự là khả năng một cá nhân thông qua các hành vi của mình, tham gia vào các hoạt động trong xã hội, từ đó tạo ra các quan hệ với các chủ thể khác.
Các hành vi có thể bao gồm: Ký kết hợp đồng, thực hiện các giao dịch tài chính, tham gia vào các hoạt động xã hội khác, v.v. Ngoài ra, năng lực hành vi dân sự còn bao hàm cả năng lực tự chịu trách nhiệm dân sự khi vi phạm nghĩa vụ dân sự.
Lưu ý: Khác với năng lực pháp luật luôn được pháp luật thừa nhận đầy đủ, năng lực hành vi đầy đủ chỉ được pháp luật thừa nhận trong một số các điều kiện cụ thể, như:
Căn cứ quy định tại các Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 và Điều 24 Bộ luật Dân sự, có thể xác định các mức độ năng lực hành vi dân sự của mỗi cá nhân như sau:
– Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự;
– Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi có năng lực hành vi nhưng chưa đầy đủ;
– Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi có năng lực hành vi nhưng chưa đầy đủ;
– Người từ đủ mười tám tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Cụ thể hơn:
– Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
– Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
2. Mất năng lực hành vi dân sự là gì?
2.1. Khái niệm mất năng lực hành vi dân sự
Trước hết, cần hiểu rằng mất năng lực hành vi dân sự là một “tình trạng pháp lý”, theo đó, Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 hiện hành quy định như sau:
“Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự”.
Như vậy, vấn đề xác định một người mất năng lực hành vi dân sự dựa trên các yếu tố sau đây:
– Cá nhân này mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác dẫn đến không thể nhận thức, làm chủ được hành vi.
– Người có quyền, nghĩa vụ liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan yêu cầu tuyên bố cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự.
– Có kết luận giám định pháp y tâm thần về khả năng nhận thức, làm chủ hành vi. Chỉ có cơ quan chuyên môn về y tế có thẩm quyền mới được phép kết luận giám định pháp y tâm thần.
– Toà án là cơ quan tiếp nhận và giải quyết việc yêu cầu tuyên bố cá nhân là người mất năng lực hành vi dân sự.
Có thể Bạn quan tâm:
- Dịch vụ Luật sư Riêng cho Cá nhân;
- Cam kết tài sản riêng vợ chồng;
- Luật sư Giải quyết tranh chấp Đất đai.
2.2. Giao dịch của người mất năng lực hành vi dân sự
Theo nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam, mọi cá nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
Do đó, trong trường hợp một người bị mất năng lực hành vi dân sư, pháp luật vẫn có các quy định để bảo vệ họ trong những trường hợp cụ thể.
Theo đó, tại Khoản 2, Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên, các giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Theo Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015, người đại diện theo pháp luật của cá nhân được quy định bao gồm những người sau đây:
a. Là Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
b. Là Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
c. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện trong hai trường hợp trên.
d. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Trong đó, Người đại diện là người Giám hộ (b) được xác định như sau:
Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2, Điều 48 của Bộ luật Dân sự (trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình) thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
+ Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
+ Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
+ Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
3. Hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự là các trường hợp, căn cứ đã nêu tại Mục 1.2 ở trên.
Trên đây của Luật sư A&An về mất năng lực hành vi Dân sự là gì và các vấn đề liên quan. Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.
Luật sư A&An ∼ Our Work. Your Success!