Thông thường đối với việc góp vốn vào doanh nghiệp, vốn góp thường là các tài sản hữu hình hoặc quyền về đất như: Tiền mặt (bao gồm cả ngoại tệ, Nhà cửa, xe cộ, Vàng, v.v). Tuy nhiên trong những năm gần đây, quyền tác giả (một trong những quyền về sở hữu trí tuệ) được chú trọng hơn và cũng là một trong những tài sản, công cụ hữu ích được dùng để tạo ra nguồn lợi nhuận. Do đó nhiều người quan tâm liệu đối với tài sản vô hình, cụ thể là quyền tác giả này các bên có được phép góp vốn vào doanh nghiệp không? Bài viết dưới đây Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về vấn đề này. Mời các bạn tham khảo.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Luật Doanh nghiệp 2020;
– Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các văn bản hướng dẫn chi tiết hiện hành.
MỤC LỤC
1. Quyền sở hữu trí tuệ, góp vồn bằng quyền sở hữu trí tuệ
1.1. Quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là gì?
Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Ngoài ra, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về quyền sở hữu trí tuệ như sau: Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Như vậy, quyền tác giải cũng được công nhận là một tài sản bên cạnh các tài sản hữu hình mà chúng ta gặp thường ngày như tiền, đất, xe, v.v.
1.2. Có được phép góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ không?
Căn cứ quy định tại khoản 18, Điều 4 Luật Doanh nghiệp, cụ thể như sau:
“Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.”
Căn cứ quy định tại Điều 34 Luật Doanh nhiệp 2020 về tài sản vốn góp, cụ thể như sau:
– Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
– Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
Như vậy theo quy định của pháp luật, quyền sở hữu trí tuệ cũng là một loại tài sản có thể dùng để góp vốn. Theo đó có thể hiểu góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ là việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
2. Điều kiện để góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ
Việc góp vốn bằng quyền tác giả phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Quyền tác giả do chủ sở hữu văn bằng đã được nhà nước xác nhận. Do đó, các yếu tố cần được xem xét khi đăng ký góp vốn quyền tác giả:
+ Đã được cấp văn bằng bảo hộ chưa, nếu chưa thì cần phải xin cấp văn bằng để chứng minh cho quyền tác giả đó thuộc sở hữu của mình;
+ Văn bằng bảo hộ còn hời hạn không, nếu hết hạn phải thực hiện thủ tục tiến hành gia hạn trước khi thực hiện việc góp vốn.
– Quyền tác giả phải được định giá thành đồng Việt Nam trước khi góp vốn theo uy định tại khoản 1, Điều 34 Luật doanh nghiệp như sau: Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
3. Hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả
Căn cứ Điều 50 Luật sở hữu trí tuệ 2005, đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan gồm có:
– Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
– 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
– Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;
– Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
4. Trình tự, thủ tục góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ
Sau khi thực hiện đăng ký quyền sở quyền tác giả thì có thể thực hiện thủ tục góp vốn theo trình tự thủ tục như sau:
Bước 1: Định giá quyền sở hữu trí tuệ
Bên góp vốn và bên nhận góp vốn đàm phán và định giá quyền sở hữu trí tuệ, nếu không có thể thuê cơ quan, đơn vị chuyên môn định giá tài sản. Trong đó, khi định giá tài sản trí tuệ đơn vị sẽ phải tính theo đồng Việt Nam
Bước 2: Tiến hành lập hợp đồng đóng góp vốn
Theo đó trong hợp đồng cần bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản của việc góp vốn như: Bên góp vốn, Bên nhận góp vốn (tên, địa chỉ); Quyền sở hữu trí tuệ cụ thể (chủ giấy chứng nhận/ chủ bằng độc quyền, v.v. ; số đơn; ngày nộp đơn; quyết định cấp; thời hạn bảo hộ, v.v); giá trị quyền sở hữu trí tuệ; thời hạn góp vốn; mục đích góp vốn; đăng ký góp vốn và nộp lệ phí; cam đoan của các bên, v.v.
Bước 3: Đăng ký chuyển quyền sở hữu quyền tác giả tại cơ quan có thẩm quyền
Việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về vấn đề có được phép góp vốn bằng quyền tác giả không và các vấn đề liên quan. Nếu Quý khách hàng có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.