Di chúc là gì? Di chúc có hiệu lực khi nào, trong thời hạn bao lâu? – Công ty Luật A&An
Mỗi cá nhân đều có quyền lập di chúc để để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết và cũng có quyền được hưởng di sản thừa kế theo di chúc của người khác một cách bình đẳng.
MỤC LỤC
1. Di chúc là gì?
Điều 624 Bộ Luật dân sự 2015 quy định ngắn gọn như sau:
“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.
Theo các chế định về Thừa kế tai Bộ luật Dân sự hiện hành, người nhận thừa kế bao gồm cá nhân và/hoặc tổ chức.
Về hình thức, Di chúc có thể thể hiện bằng hình thức lập thành văn bản hoặc nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
+ Đối với Di chúc bằng văn bản, bao gồm:
(1) Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
(2) Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
(3) Di chúc bằng văn bản có công chứng;
(4) Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
+ Đối với Di chúc miệng: Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
2. Về thời điểm có hiệu lực của Di chúc
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 643, Bộ luật Dân sự 2015, Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 611, Bộ luật Dân sự năm 2015, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.
Vậy có thể xác định, Di chúc sẽ có hiệu lực tại thời điểm người để lại Di chúc chết.
3. Di chúc có hiệu lực trong thời hạn bao lâu?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu thừa kế, cụ thể như sau:
“Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.”
Theo quy định này, những người thừa kế có quyền yêu cầu chia thừa kế đối với tài sản là bất động sản (nhà, đất, tài sản gắn liền với đất, v.v) trong thời hạn 30 năm; Với tài sản là động sản (xe cộ, tiền, vàng, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, v.v) thì thời hiệu được quyền yêu cầu chia thừa kế là 10 năm, kể từ khi người để lại di chúc chết.
Lưu ý:
Nếu không chia thừa kế trong thời hạn nêu trên, khi hết thời hạn thì di sản sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
+ Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này
“Điều 236. Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
+ Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu theo quy định này.
Có thể bạn quan tâm:
- Tài sản trước hôn nhân có được phân chia không?
- Các trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con
- Cưỡng ép người khác từ chối nhận Di sản bị xử phạt như thế nào?
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về di chúc là gì.
Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.
Luật sư A&An ∼ Our Work. Your Success!