Trong hoạt động góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn vào những doanh nghiệp đã được thành lập sẵn, các chủ thể có thể sử dụng nhiều loại tài sản khác nhau. Trong đó, quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản đặc biệt có thể dùng làm tài sản góp vốn. Tùy vào từng mục đích, điều kiện và mong muốn của chủ thể mà việc góp vốn hay rút vốn góp cũng thường xuyên diễn ra và có thể được coi là chiến lược của mỗi nhà đầu tư tại từng thời điểm. Vậy trên thực tế, việc xóa đăng ký việc góp vốn quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp có phức tạp không? Trình tự, thủ tục xóa đăng ký góp vốn quyền sử dụng đất thực hiện như thế nào? Vậy trong bài viết này, Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Doanh nghiệp 2020;
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
– Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
– Thông tư 02/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.
MỤC LỤC
1. Trước hết, góp vốn bằng quyền sử dụng đất là gì
Căn cứ quy định tại Khoản 18, Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020, cụ thể: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.”
Theo Khoản 1, Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tài sản góp vốn bao gồm:
“Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.”.
Như vậy, có thể hiểu góp vốn bằng quyền sử dụng đất là việc cá nhân chuyển quyền sử dụng đất của mình cho công ty mà mình tham gia góp vốn để tạo thành vốn điều lệ của công ty.
Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể, ý chí, mục đích của cá nhân góp vốn mà họ có thể muốn xóa phần vốn góp bằng quyền sử dụng đất trước đây của mình.
2. Đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất
2.1. Hồ sơ
Theo Khoản 2, Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT quy định về hồ sơ đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:
– Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
– Hợp đồng, văn bản về việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
– Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư;
– Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.
2.2. Thủ tục
Thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:
– Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.
– Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:
+ Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;
+ Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;
+ Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi UBND cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
3. Các trường hợp chấm dứt đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Căn cứ Khoản 3, Điều 80 Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì việc chấm dứt đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong những trường hợp sau đây:
– Hết thời hạn góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
– Một bên hoặc các bên đề nghị theo thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn;
– Bị thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai
– Bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc doanh nghiệp liên doanh bị tuyên bố phá sản, giải thể;
– Cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn chết; bị tuyên bố là đã chết; bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; bị cấm hoạt động trong lĩnh vực hợp tác kinh doanh mà hợp đồng góp vốn phải do cá nhân đó thực hiện;
– Pháp nhân tham gia hợp đồng góp vốn bị chấm dứt hoạt động mà hợp đồng góp vốn phải do pháp nhân đó thực hiện.
Vậy trong các trường hợp nêu trên, cá nhân góp vốn có thể xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất của mình để hoàn tất thủ tục chấm dứt góp vốn bằng Quyền sử dụng đất.
4. Xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất
4.1. Hồ sơ
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 9 Thông tư 02/2023/TT-BTNMT, sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ cần phải nộp để xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất bao gồm những giấy tờ sau:
– Văn bản thanh lý hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất có xác nhận đã được thanh lý hợp đồng.
– Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
4.2. Thủ tục
Căn cứ Điều 80 Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất được quy định như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ
Một trong các bên hoặc các bên ký hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất nộp 01 bộ hồ sơ xóa đăng ký góp vốn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.
Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Bước 2: Kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ xóa đăng ký góp vốn quyền sử dụng đất
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ.
Trường hợp tiếp nhận hồ sơ nhưng chưa hợp lệ thì trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, Hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ phải bằng văn bản, trong thời hạn quy định và chỉ thực hiện không quá một (01) lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ đã tiếp nhận
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau:
– Xác nhận việc xóa góp vốn vào Giấy chứng nhận theo quy định và trao cho bên góp vốn. Trường hợp góp vốn quyền sử dụng đất mà đã cấp Giấy chứng nhận cho bên nhận góp vốn thì thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp; bên góp vốn được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
– Trường hợp thời hạn sử dụng đất kết thúc cùng với thời điểm xóa góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng đất thì thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp;
– Thực hiện việc xóa đăng ký góp vốn vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Trên đây là bài viết của Công ty Luật A&An về thủ tục xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nếu Quý khách hàng có bất kì khó khăn hay vướng mắc nào trong quá trình tham khảo và áp dụng pháp luật vui lòng liên hệ chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết.