Một trong những nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam là “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”. Theo đó, pháp luật quy định vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy với nhau. Tuy nhiên thực tế hiện nay, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là ở các cặp vợ chồng trẻ mà một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn là hành vi vợ hoặc chồng “ngoại tình” với người khác.
Theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 60.000 vụ ly hôn, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì một đôi ra tòa. Thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến ly hôn. Trong đó, 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, 25,9% đến từ ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%, bạo lực gia đình chiếm 6,7%, sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%.
Có thể thấy “ngoại tình” thực sự là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến bản thân vợ chồng và con cái của họ, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Vậy pháp luật hiện hành quy định xử phạt như thế nào đối với người đã có vợ/chồng “ngoại tình” với người khác? Trong bài viết này, Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo!
MỤC LỤC
Cơ sở pháp lý
– Luật Hôn nhân và Gia đình 2014;
– Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017;
– Thông tư Liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC;
– Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
1. Luật quy định hành vi như thế nào được xem là ngoại tình?
Căn cứ Điểm c, Khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về các hành vi cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình như sau:
“Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
2. Cấm các hành vi sau đây:
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”
Theo đó, chúng ta có thể hiểu “ngoại tình” là hành vi người đang có vợ/chồng hợp pháp mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác.
Hành vi “chung sống như vợ chồng” được xác định khi có các đặc điểm nêu tại khoản 3.1 Điều 3 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC như sau:
“Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”
Theo đó, hành vi chung sống như vợ chồng được thực hiện một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt nhưng một gia đình. Đồng thời có thể chứng minh hành vi trên thông qua các dấu hiệu như có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung, v.v.
Do vậy, có thể thấy, không phải mọi trường hợp “ngoại tình” đều bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định mà chỉ có những mối quan hệ có các đặc điểm nêu trên thì mới bị xử lý.
2. Xử phạt đối với hành vi “ngoại tình” của vợ/chồng
Việc “ngoại tình” làm ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân hiện tại, vi phạm chuẩn mực về đạo đức và xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình mà luật pháp bảo vệ. Hành vi ngoại tình tùy theo mức độ mà có thể xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ điểm a, b và c khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng:
“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
Do đó, đối với hành vi “ngoại tình” mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với mục đích răn đe, cảnh cáo đối với người có hành vi vi phạm.
2.2. Truy cứu Trách nhiệm hình sự
Căn cứ Điều 182 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:
“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Như vậy, người có vợ, có chồng mà “ngoại tình” là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên đến 03 năm.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An vấn đề Phạt tù đối với hành vi “ngoại tình” của vợ/chồng? Nếu Quý khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.