Kết hôn theo pháp luật Việt Nam là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Việc kết hôn là hoàn toàn tự nguyện và các bên đều hướng đến mục tiêu xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Tuy nhiên qua quá trình chung sống, vì nhiều mâu thuẫn khiến hai bên không thể đạt được mục đích mà mình mong muốn như ban đầu, nhiều cặp vợ chồng có thời gian dài ly thân, không còn chung sống, không còn quan tâm đến nhau về mọi mặt, khi đó, ly hôn là giải pháp cuối cùng cho cả hai.
Bài viết dưới đây của Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu cụ thể các quy định của pháp luật về vấn đề này.
MỤC LỤC
- Căn cứ pháp lý
- 1. Ly hôn là gì?
- 2. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
- 3. Vợ, chồng bỏ đi nơi khác, không liên lạc được thì ly hôn vắng mặt được không?
- 4. Về án phí ly hôn
- Luật sư A&An ∼ Our Work. Your Success!
Căn cứ pháp lý
– Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn chi tiết hiện hành;
– Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn chi tiết hiện hành.
1. Ly hôn là gì?
Căn cứ quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:
– Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng khi thỏa mãn các điều kiện kết hôn và thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
– Kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Ngược lại, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Và Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng.
2. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
Căn cứ quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, những người ssau đây có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, bao gồm:
– Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
– Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Lưu ý: Để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ và đứa trẻ, pháp luật quy định chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo quy định của luật thì chỉ hạn chế đối với người chồng, trường hợp người vợ vẫn mong muốn được ly hôn thì Tòa án vẫn giải quyết yêu cầu.
3. Vợ, chồng bỏ đi nơi khác, không liên lạc được thì ly hôn vắng mặt được không?
Trong trường hợp vợ hoặc chồng bỏ đi nơi khác không liên lạc được, một trong các bên có quyền đơn phương yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn theo một trong hai trường hợp sau đây.
3.1. Trường hợp vợ hoặc chồng của một người bỏ đi trong một thời gian xác định mà không liên lạc được hoặc cố tình trốn tránh, che giấu địa chỉ
Trong trường hợp này, nếu vợ hoặc chồng của một người bỏ đi nơi khác sinh sống mà không cho biết nơi cư trú hoặc người này cố tình trốn tránh, không gặp mặt thì người đó có quyền đơn phương yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn theo quy định. Cụ thể:
a. Về thẩm quyền của Tòa án
– Về cấp Tòa án: Tòa án nhân dân cấp Huyện có thẩm quyền giải quyết việc yêu cầu ly hôn. Trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp Tỉnh.
– Về thẩm quyền theo lãnh thổ: Trong trường hợp này, khi không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng giải quyết.
Các quy định cụ thể về việc giải quyết trong trường hợp này như sau:
+ Theo Khoản 2, Điều 5 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP của Hội Đồng Thẩm Phán Tòa án nhân dân Tối cao ngày 05/5/2017, cụ thể:
“Điều 5. Về địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên qua
2. Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận
Hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.”
+ Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án quy định như sau:
“Điều 6. Xử lý việc ghi địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
2. Trường hợp sau khi thụ lý vụ án, Tòa án không tổng đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không còn cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì Tòa án giải quyết như sau:
a) Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở”.
Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc
Hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 Bộ luật dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tổng đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;”
+ Theo Khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;
b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;
d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;
đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.”
b. Về thời hạn giải quyết vụ án ly hôn
Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định cụ thể như sau:
“Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:
a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 (vụ án ly hôn) của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;”
Có thể bạn quan tâm:
– Luật sư giải quyết Ly hôn tại Đà Nẵng;
– Luật sư Giải quyết tranh chấp Đất đai;
3.2. Trường hợp vợ hoặc chồng bỏ đi và đã bị Tòa án tuyên mất tích hoặc chết
Trong trường hợp này, vợ hoặc chồng của một người bỏ đi nhiều năm không có tin tức, không liên lạc được và đã bị Toà án tuyên bố mất tích, biệt tích hoặc đã chết.
a. Trường hợp mất tích
Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
b. Trường hợp chết
Khi quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.
Lưu ý: Trong trường hợp này quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt từ ngày Quyết định tuyên bố vợ hoặc chồng của người đó chết có hiệu lực.
4. Về án phí ly hôn
Án phí, lệ phí khi giải quyết ly hôn được quy định cụ thể tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016. Theo đó, án phí giải quyết vụ án ly hôn hiện nay là 300.000 đồng nếu không tranh chấp về tài sản.
Đối với những vụ việc có tranh chấp về tài sản thì mức án phí được xác định theo giá ngạch được quy định.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về ly hôn trong trường hợp vợ hoặc chồng bỏ đi không liên lạc được và các vấn đề liên quan.
Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.