Hợp đồng là chứng thư pháp lý quan trọng nhằm xác lập, hình thành quan hệ pháp luật giữa các chủ thể có nhu cầu tương đương. Cụ thể, với hoạt động thuê nhà ngày nay diễn ra hết sức phổ biến, vì vậy, việc các bên tham gia lập và ký kết các hợp đồng thuê nhà cũng từ đó mà phát sinh ngày càng nhiều.
Để giảm thiểu những rủi ro cho hợp đồng cũng như để hợp đồng được thực hiện một cách hiệu quả nhất, đa phần các chủ thể trong hợp đồng thuê nhà sẽ lựa chọn việc công chứng hợp đồng thuê nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các chủ thể trong hợp đồng thuê nhà lại lựa chọn việc không công chứng hợp đồng này.
Trong bài viết, Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo.
Căn cứ pháp lý
1. Hợp đồng thuê nhà có bắt buộc phải công chứng không?
Căn cứ Điều 472 BLDS 2015 quy định về hợp đồng thuê tài sản, theo đó, hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê sử dụng trong một khoảng thời gian và bên thuê phải trả tiền thuê.
Như vậy, nhà ở cũng là một loại tài sản theo quy định của pháp luật dân sự, cụ thể là bất động sản, như vậy hợp đồng thuê nhà có thể được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên cho thuê chuyển quyền sử dụng căn nhà cho bên thuê trong một thời hạn nhất định mà các bên thỏa thuận, đồng thời, bên thuê nhà có trách nhiệm thanh toán tiền thuê nhà cho bên cho thuê.
Đồng thời, căn cứ khoản 1, Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng (trừ quy định tại khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014). Như vậy, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm hợp đồng được công chứng, chứng thực.
Như vậy, pháp luật không bắt buộc tiến hành công chứng đối với hợp đồng thuê nhà. Do đó, mà việc tiến hành công chứng, chứng thực hợp đồng thuê nhà hay không hoàn toàn phụ thuộc ý chí chủ quan của các chủ thể tham gia hợp đồng thuê nhà.
Tuy nhiên, như chúng tôi đã có nêu ở phần đầu, để đảm bảo tránh được những rủi ro đáng tiếc cũng như hiệu quả thực hiện hợp đồng được đảm bảo tối ưu thì các chủ thể tham gia hợp đồng nên lựa chọn việc công chứng, chứng thực hợp đồng thuê nhà.
2. Cách giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê nhà không công chứng
Việc lựa chọn các cơ chế giải quyết tranh chấp thuần túy mà pháp luật quy định cũng được xem là phương án hiệu quả đối với các tranh chấp hợp đồng thuê nhà không công chứng.
Thứ nhất, các chủ thể tranh chấp có thể tự thương lượng, thỏa thuận với nhau để dần gỡ những nút thắt đáng tiếc, cản trở việc thực hiện hợp đồng. Khi có tranh chấp xảy ra, xuất phát từ quan hệ dân sự là ưu tiên sự thỏa thuận của các bên tranh chấp vì vậy mà phương án thương lượng để giải quyết tranh chấp có thể dễ dàng đạt hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, tranh chấp đa phần khó mà giải quyết được bởi phương pháp này bởi lẽ xuất phát từ việc tôn trọng sự thỏa thuận nêu trên.
Thứ hai, hòa giải cũng được xem là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, bằng việc nhờ sự trợ giúp của một bên thứ ba tham gia giúp hai bên tranh chấp tháo gỡ những khúc mắc xảy ra xoay quanh hợp đồng thuê nhà. Đây là chủ thể có sự hiểu biết pháp luật nhất định, có kinh nghiệm và đặc biệt am hiểu tâm lý của các chủ thể tranh chấp. Tuy nhiên, tương tự như thương lượng thì hòa giải cũng khó mà giải quyết được các tranh chấp liên quan đến hợp đồng thuê nhà không công chứng.
Thứ ba, Tòa án – Phương án cuối cùng mà các chủ thể đa phần lựa chọn giải quyết khi có tranh chấp phát sinh. Quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê nhà không công chứng sẽ được cơ quan Tòa án phối hợp với các chủ thể có liên quan và tuân thủ theo quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự, từ đó ban hành các quyết định, bản án giải quyết những tranh chấp phát sinh.
Như vậy, có thể nói rằng phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án được xem là một phương thức giải quyết tranh chấp về hợp đồng thuê nhà không công chứng hiệu quả nhất, và với đặc thù là cơ quan xét xử nhân danh Nhà nước, nó đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho chủ thể bị thiệt hại trong quan hệ pháp luật này.
3. Hồ sơ, thủ tục khởi kiện tranh chấp hợp đồng thuê nhà không công chứng tại Tòa án
3.1. Hồ sơ cần chuẩn bị
– Đơn khởi kiện;
– Hợp đồng thuê nhà;
– Giấy tờ tùy thân: CMND/CCCD/Hộ chiếu, v.v (bản sao có chứng thực);
– Giấy tờ, bằng chứng chứng minh sự vi phạm của một bên dẫn đến tranh chấp;
– Giấy tờ, bằng chứng chứng minh sự thiệt hại do hành vi vi phạm của một bên chủ thể trong quan hệ hợp đồng.
3.2. Thủ tục khởi kiện và giải quyết tranh chấp
Bước 1: Chủ thể khởi kiện tiến tiến hành hoàn thiện hồ sơ nêu trên và nộp đến cơ quan Tòa án có thẩm quyền
Bước 2: Tòa án sẽ tiếp nhận hồ sơ và xem xét, thông báo bổ sung hồ sơ (nếu có) và nếu xét thấy hồ sơ đã đầy đủ thì tiến hành thụ lý vụ án.
Bước 3: Tòa án tiến hành các thủ tục cần thiết trong giai đoạn chuẩn bị xét xử bao gồm: Kiểm tra tính hợp pháp của chứng cứ mà đương sự nộp, thu thập các chứng cứ nếu xét thấy cần thiết, giám định, xác minh và tiến hành hòa giải.
Bước 4: Trong trường hợp không thể hòa giải, không tiến hành hòa giải được hay hòa giải không thành thì Tòa án tiến hành tổ chức phiên tòa xét xử và ra bản án.
Bước 5: Kháng cáo, kháng nghị (nếu có);
Bước 6: Thi hành bản án có hiệu lực pháp luật.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về cách giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê nhà không công chứng và các vấn đề có liên quan.
Nếu Quý khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.