Hiện nay, bên cạnh việc cạnh tranh về chất lượng của hàng hoá, dịch vụ mà mình cung cấp đến khách hàng, người tiêu dùng, cung cấp ra thị trường. Các doanh nghiệp còn cần phải chú trọng đầu tư và đảm bảo về mặt pháp lý cho mình về nhãn hiệu để khẳng định vị thế riêng trên thị trường và tạo ấn tượng sâu cho người tiêu dùng về sản phẩm của công ty mình.
Cùng với đó, việc đăng ký nhãn hiệu cũng giúp doanh nghiệp ngăn chặn được những hành vi đạo nhái, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Vậy nhãn hiệu là gì, quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu như thế nào?
Bài viết dưới đây của Công ty Luật A&An sẽ giúp các bạn rõ hơn về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo!
Căn cứ pháp lý
– Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005 và các văn bản hướng dẫn chi tiết hiện hành;
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2022.
1. Thế nào là nhãn hiệu?
Theo quy định tại Khoản 16, Điều 4, Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005 cụ thể như sau:
“Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.”
Dấu hiệu để phân biệt là chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc sự kết hợp của các yếu tố trên bằng một hoặc nhiều màu sắc.
Lưu ý: Nhãn hiệu khác với Thương hiệu
– Nhãn hiệu là đối tượng của Luật Sở hữu trí tuệ, được các cơ quan nhà nước công nhận và bảo hộ.
– Thương hiệu là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức.
Thương hiệu không là đối tượng được bảo hộ của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
2. Phân loại nhãn hiệu
Nhãn hiệu gồm 02 loại cơ bản, cụ thể:
– Nhãn hiệu dùng cho hàng hóa;
– Nhãn hiệu dùng cho dịch vụ.
Ngoài ra, còn có thể chia ra các loại nhãn hiệu như: Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu nổi tiếng.
3. Quyền đăng ký nhãn hiệu
Cá nhân hoặc tổ chức có quyền đăng ký nhãn hiệu theo quy định tại Điều 87 Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2022, cụ thể như sau:
– Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
– Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
– Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó.
– Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hoá, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó.
– Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:
+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;
+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.
– Người có quyền đăng ký quy định tại các mục trên, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.
– Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điềuước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
4. Quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu
Một quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu gồm có 05 bước, cụ thể như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu
Đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện đến Cục Sở hữu trí tuệ hoặc Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, hoặc Thành phố Đà Nẵng.
Cá nhân, tổ chức cũng có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tuyến: Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.
Lưu ý: Ngay khi nộp đơn đăng ký, người nộp đơn phải nộp lệ phí đăng ký cho Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn
Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.
+ Trường hợp đơn hợp lệ: Cục Sở hữu Trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
+ Trường hợp đơn không hợp lệ: Cục Sở hữu Trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 02 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu Trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Bước 3: Công bố đơn
Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo của Cục Sở hữu trí tuệ nơi chấp nhận đơn.
Thời gian công bố đơn: 02 tháng kể từ ngày quyết định chấp nhận đơn hợp lệ (Theo Quy định tại Khoản 3, Điều 110, Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2022).
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn
Cục sở hữu trí tuệ xem xét các điều kiện đăng ký nhãn hiệu từ đó đánh giá khả năng cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà doanh nghiệp đăng ký.
* Thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu là 06 tháng, kể từ ngày công bố đơn (Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 119, Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2022).
Bước 5: Quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ
+ Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu đáp ứng đủ điều kiện thì Cục Sở hữu Trí tuệ ra Thông báo dự định cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà doanh nghiệp đã đăng ký.
+ Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu không đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu Trí tuệ ra Thông báo không cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà doanh nghiệp đăng ký. Doanh nghiệp xem xét và gửi công văn trả lời, khiếu nại quyết định của Cục Sở hữu, đồng thời đưa ra các căn cứ để cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho nhãn hiệu của doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung bài viết của Công ty Luật A&An về quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu.
Nếu Quý Khách hàng có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.