Hiện nay, các tôn giáo ở Việt Nam đang thể hiện rõ nét vai trò quan trọng trong việc đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, tích cực đóng góp nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước.
Nhà nước ta luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các hoạt động tôn giáo được diễn ra một cách tốt nhất, điển hình như chính sách giao đất không thu tiền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo.
Trên thực tế, diện tích đất tôn giáo được giao cho nhiều cơ sở tôn giáo tương đối lớn, nhiều trường hợp một cá nhân hay tổ chức muốn thuê lại đất tôn giáo để sử dụng vào mục đích khác. Vậy theo quy định hiện hành, cơ sở tôn giáo có được phép cho thuê đất tôn giáo không?
Trong bài viết này, Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo!
MỤC LỤC
Căn cứ pháp lý
1. Khái niệm đất cơ sở tôn giáo
Tại Điểm g, Khoản 2, Điều 10 Luật Đất đai 2013 có quy định về các loại đất phi nông nghiệp như sau:
“Điều 10. Phân loại đất
Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:
2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
g) Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;”
Đồng thời, căn cứ Điều 159, Luật đất đai 2013 quy định về đất cơ sở tôn giáo như sau:
“Điều 159. Đất cơ sở tôn giáo
1. Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo.”
Theo các quy định trên, đất cơ sở tôn giáo là loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao cho cơ sở tôn giáo sử dụng, bao gồm:
Đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.
Ngoài ra, tại Điều 125, Luật đất đai 2013 quy định: Đất cơ sở tôn giáo là loại đất có thời hạn sử dụng ổn định, lâu dài.
2. Có được phép cho thuê đất tôn giáo không
Căn cứ Khoản 2, Điều 181 Luật Đất đai 2013 quy định về Quyền và nghĩa vụ của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất như sau:
“Điều 181. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất
1. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này.
2. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.”
Vậy theo quy định trên, cơ sở tôn giáo không được phép cho thuê đất tôn giáo và hành vi cho thuê đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất tôn giáo được xem là hành vi trái pháp luật. Qua đó, có thể nhận thấy, quyền sử dụng đất tôn giáo là một loại quyền sử dụng đất bị hạn chế hơn so với quyền sử dụng các loại đất khác.
3. Xử phạt đối với hành vi cho thuê đất tôn giáo
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 27 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về chuyển quyền và nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo không đúng quy định của Luật Đất đai, cụ thể:
“Điều 27. Chuyển quyền và nhận chuyển quyền đối với cơ sở tôn giáo không đúng quy định của Luật Đất đai
2. Trường hợp cho thuê quyền sử dụng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm dưới 0,1 héc ta;
b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 01 héc ta trở lên.”
Theo quy định trên, trường hợp cơ sở tôn giáo tự ý cho thuê đất tôn giáo thì có thể bị xử phạt đến 120.000.000 đồng.
Ngoài ra, còn phải bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như:
– Buộc bên thuê đất phải trả lại đất cho cơ sở tôn giáo;
– Buộc cơ sở tôn giáo phải nộp lại số lợi bất hợp pháp cho được từ việc cho thuê đất;
– Buộc cơ sở tôn giáo hoàn trả tiền cho thuê đã thu (trong trường hợp thu một lần cho cả thời gian thuê) trong thời gian sử dụng đất còn lại theo quy định của pháp luật dân sự.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về vấn đề có được cho thuê đất tôn giáo không.
Nếu Quý khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.