Việc xác định đúng loại của một quan hệ tranh chấp là yếu tố căn bản và quan trọng, từ đó, xác định pháp luật điều chỉnh, áp dụng để giải quyết tranh chấp đó.
Thực tế có 02 loại quan hệ, tranh chấp khá tương đồng nhau, với sự tham gia của các bên là cá nhân, tổ chức (không bao gồm cơ quan nhà nước) là các quan hệ, tranh chấp về Dân sự và Kinh doanh Thương mại.
Nếu xác định sai quan hệ pháp luật tranh chấp sẽ dẫn đến áp dụng sai pháp luật đối với việc giải quyết vụ việc.
Trong bài viết này, Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu và phân biệt Tranh chấp Dân sự và Tranh chấp Thương mại khác nhau như thế nào? Xin mời các bạn tham khảo!
Căn cứ pháp lý
– Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
– Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ngày 03/12/2012.
1. Tranh chấp Dân sự
1.1. Thế nào là tranh chấp Dân sự
Tranh chấp về dân sự là những bất đồng, xung đột lợi ích pháp lý giữa ít nhất hai bên trong lĩnh vực dân sự. Hay có thể hiểu, tranh chấp dân sự là những mâu thuẫn, xung đột xảy ra giữa các chủ thể trong quan hệ nhân thân hoặc quan hệ tài sản được pháp luật dân sự quy định, điều chỉnh.
1.2. Phân loại tranh chấp Dân sự
Căn cứ Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, cụ thể như sau:
– Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.
– Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
– Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.
– Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Bộ luật này.
– Tranh chấp về thừa kế tài sản.
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính.
– Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước.
– Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
– Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí.
– Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
– Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
– Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
– Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
2. Tranh chấp Kinh doanh Thương mại
2.1. Thế nào là tranh chấp Kinh doanh Thương mại
Tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn (bất đồng) giữa các bên hợp tác với nhau về quyền, nghĩa vụ trong quá trình hoạt động kinh doanh thương mại.
Theo khoản 1, Điều 3 Luật thương mại 2005 quy định:
“Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.”
Ngoài ra, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 6 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn chi tiết Bộ luật Tố tụng Dân sự (2004) về các tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:
“Mục đích lợi nhuận của cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh, thương mại là mong muốn của cá nhân, tổ chức đó thu được lợi nhuận mà không phân biệt có thu được hay không thu được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, thương mại đó.”
“Hoạt động kinh doanh, thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại. Hoạt động kinh doanh, thương mại không chỉ là hoạt động trực tiếp theo đăng ký kinh doanh, thương mại mà còn bao gồm cả các hoạt động khác phục vụ thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, thương mại.
Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn A được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực may mặc. Hoạt động của Công ty A không chỉ giới hạn ở việc may sản phẩm là hàng dệt may để phục vụ thị trường mà còn bao gồm cả hành vi mua nguyên vật liệu về để sản xuất, xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, thuê xe ô tô để đưa công nhân đi làm, đi nghỉ hàng năm theo chế độ hoặc mua một số ti vi để cho công nhân giải trí sau giờ làm việc,…”
“Đối với các tranh chấp quy định tại khoản 2 Điều 29 của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì không nhất thiết đòi hỏi cá nhân, tổ chức phải có đăng ký kinh doanh mà chỉ đòi hỏi cá nhân, tổ chức đều có mục đích lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, thương mại; nếu chỉ có một bên có mục đích lợi nhuận, còn bên kia không có mục đích lợi nhuận, thì tranh chấp đó là tranh chấp về dân sự quy định tại khoản 4 Điều 25 của Bộ luật Tố tụng Dân sự .”
Như vậy có thể hiểu, tranh chấp kinh doanh thương mại là những mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên hợp tác với nhau về quyền và nghĩa vụ trong các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động sinh lợi khác.
2.2. Phân loại tranh chấp Kinh doanh Thương mại
Theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, cụ thể như sau:
– Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
– Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
– Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
– Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
– Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Có thể Bạn quan tâm:
– Luật sư Tư vấn Doanh nghiệp;
– Có được cho thuê đất khi chưa có Sổ đỏ?
– Thuế TNCN khi chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH?
3. Phân biệt tranh chấp tranh chấp Dân sự và tranh chấp Kinh doanh Thương mại
Stt | Tiêu chí | Tranh chấp Dân sự | Tranh chấp Kinh doanh Thương mại |
01 | Phạm vi điều chỉnh | Đối với tranh chấp dân sự, các bên tranh chấp bất đồng, xung đột lợi ích pháp lý giữa ít nhất hai bên trong lĩnh vực dân sự. | Tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn (bất đồng) giữa hai bên hợp tác với nhau về quyền, nghĩa vụ trong quá trình hoạt động kinh doanh thương mại. |
02 | Mục đích tham
gia giao dịch |
Đối với tranh chấp dân sự, không cần yêu cầu các bên phải có mục đích lợi nhuận. | Đối với tranh chấp thương mại, các bên tranh chấp đều có mục đích tìm kiếm lợi nhuận. |
03 | Phương thức giải quyết tranh chấp | Những tranh chấp dân sự giải quyết thông qua các hình thức như thương lượng, hoà giải, khởi kiện ra Toà án yêu cầu giải quyết. | Đối với những tranh chấp kinh doanh thương mại có thể giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải, trọng tài thương mại hoặc khởi kiện ra Toà án. |
04 |
Luật áp dụng | Pháp luật về Dân sự | Pháp luật về Dân sự, Doanh nghiệp, Sở hữu trí tuệ, Thương mại và các quy định có liên quan. |
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về phân biệt tranh chấp dân sự và tranh chấp thương mại và các vấn đề liên quan.
Nếu Quý Khách hàng có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.
Luật sư A&An ∼ Our Work. Your Success! ∼