Trong quan hệ lao động, mặc dù pháp luật về lao động đã đặt ra các quy định để cân bằng lợi ích giữa các bên, tuy nhiên việc xảy ra các tranh chấp là điều khó tránh khỏi.
Một trong những cách giải quyết phổ biến hiện nay là đình công. Đình công là biện pháp được tập thể người lao động sử dụng nhằm tạo sức ép lớn đến doanh nghiệp.
Thực tế hiện nay, nhiều cuộc đình công bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cuộc sống của người lao động và nhiều vấn đề xã hội khác.
Vậy trường hợp tham gia đình công bất hợp pháp, người lao động sẽ bị xử lý thế nào?
Trong bài viết này, Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo!

MỤC LỤC
Căn cứ pháp lý
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
– Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
1. Trước hết, đình công bất hợp pháp là gì?
Căn cứ theo Điều 198 Bộ luật Lao động 2019 quy định về khái niệm đình công như sau:
“Điều 198. Đình công
Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.”
Đình công là một trong những quyền cơ bản của người lao động được pháp luật quy định, là phương tiện cuối cùng để họ có thể tự bảo vệ mình khi cần thiết, là tín hiệu chỉ báo quan hệ lao động đang có bất bình thường ở doanh nghiệp.
Có thể hiểu đơn giản, đình công là việc mà người lao động tạm thời ngừng việc, hoàn toàn tự nguyện. Việc đình công có tổ chức của những người lao động với nhau để đạt được đạt yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Mặc dù Bộ luật Lao động 2019 không nêu rõ về khái niệm cụ thể đình công bất hợp pháp nhưng căn cứ theo Điều 204 Bộ luật này đã liệt kê cụ thể 06 trường hợp được xem là đình công bất hợp pháp bao gồm:
“Điều 204. Trường hợp đình công bất hợp pháp
1. Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 của Bộ luật này.
2. Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.
3. Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật này.
4. Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này.
5. Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209 của Bộ luật này.
6. Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 của Bộ luật này.”
Theo quy định trên, đình công bất hợp pháp là đình công thiếu một trong các điều kiện đình công hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Về mặt bản chất, thì đình công là một biện pháp hữu hiệu tuy nhiên nếu lợi dụng đình công để thực hiện mục đích không chính đáng hoặc không tuân theo quy định của pháp luật thì đình công có thể đem lại hệ lụy cho chính những người tham gia đình công và những người có quyền và lợi ích liên quan.
2. Các trường hợp nào người lao động có quyền đình công?
Trường hợp người lao động có quyền đình công quy định tại Điều 199 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
“Điều 199. Trường hợp người lao động có quyền đình công
Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công trong trường hợp sau đây:
1. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
2. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.”
3. Biện pháp xử lý đối với người lao động đình công bất hợp pháp
3.1. Xử lý kỷ luật và bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 217 Bộ luật Lao động 2019, khi đã có quyết định của Tòa án về cuộc đình công là bất hợp pháp thì người lao động đang tham gia đình công phải ngừng ngay đình công và trở lại làm việc;
Nếu người lao động không ngừng đình công, không trở lại làm việc thì tùy theo mức độ vi phạm có thể:
– Xử lý kỷ luật lao động theo một trong các hình thức quy định tại Điều 124 Bộ luật Lao động 2019, mức xử lý kỷ luật lao động sẽ tùy thuộc vào mức độ vi phạm và nghiêm trọng của hành vi. Những người lao động tham gia vào cuộc đình công bất hợp pháp có thể chịu các biện pháp kỷ luật sau:
“Điều 124. Hình thức xử lý kỷ luật lao động
1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
3. Cách chức.
4. Sa thải.”
Theo Khoản 2, Điều 217, Bộ luật Lao động 2019 trong trường hợp cuộc đình công là bất hợp pháp mà gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Có thể Bạn quan tâm:
- Pháp luật về Hộ kinh doanh;
- Thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh Công ty như thế nào?
- Thủ tục thành lập công ty liên doanh nước ngoài.

3.2. Xử phạt Hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm Hình sự do đình công bất hợp pháp
– Căn cứ khoản 3 Điều 217 Bộ luật Lao động, việc xử lý vi phạm được đặt ra đối với những hành vi sau đây:
“Điều 217. Xử lý vi phạm
3. Người lợi dụng đình công gây mất trật tự, an toàn công cộng, làm tổn hại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động; người có hành vi cản trở thực hiện quyền đình công, kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; người có hành vi trù dập, trả thù người tham gia đình công, người lãnh đạo cuộc đình công thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi đình công bất hợp pháp như sau:
– Người lợi dụng đình công gây mất trật tự, an toàn công cộng thì bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng theo Điểm a, Khoản 1, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
– Người có hành vi cản trở thực hiện quyền đình công, kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 tại Điểm a, Khoản 2, Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
– Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị hoặc tài sản của người sử dụng lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định Điểm c, Khoản 2, Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
– Người có hành vi trù dập, trả thù người tham gia đình công, người lãnh đạo cuộc đình công thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng tại khoản 3, Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Nếu vi phạm có tính chất nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Bộ luật Hình sự, người lao động tham gia đình công bất hợp pháp sẽ bị xử lý hình sự.
Trên đây là nội dung bài viết của Công ty Luật A&An về biện pháp xử lý đối với người lao động đình công bất hợp pháp và các vấn đề liên quan.
Nếu Quý Khách có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.