Trong một số trường hợp nhất định, ngày từ đầu pháp luật hiện hành quy định các bên chủ thể phải tuân thủ theo quy định về mặt hình thức trong các hợp đồng, giao dịch dân sự để hợp đồng không có hiệu lực.
Tuy nhiên, một số trường hợp giao dịch dân sự vi phạm về mặt hình thức vẫn được xem xét là có hiệu lực.
Vậy việc này được quy định như thế nào?
Thực hiện 2 phần 3 nghĩa vụ của giao dịch dân sự được pháp luật quy định ra sao và có giá trị gì?
Dưới đây, Công ty Luật A&An xin trình bày cụ thể về vấn đề trên. Xin mời các bạn tham khảo.
Căn cứ pháp lý
1. Giao dịch dân sự là gì?
Căn cứ Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự được định nghĩa như sau:
“Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Trong đó, hình thức của giao dịch dân sự sẽ phản ánh được nội dung giao dịch giữa các bên, các chủ thể tham gia. Đây chính là căn cứ để Tòa án xác định quyền và nghĩa vụ ràng buộc của các bên khi giao dịch đã được xác lập, để xác định trách nhiệm dân sự trong trường hợp có hành vi vi phạm, tranh chấp xảy ra.
2. Các hình thức của giao dịch dân sự
Theo Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự có các hình thức như sau:
– Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong đó, Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
– Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Các chủ thể trong giao dịch dân sự có thể lựa chọn một trong các hình thức giao dịch dân sự trên để thực hiện việc xác lập giao dịch. Thông thường chúng ta có thể thấy hình thức bằng lời nói là hình thức phổ biến được sử dụng nhiều nhất trong cuộc sống hằng ngày. Hình thức này thường áp dụng trong các giao dịch như mua bán trao tay, hoặc là các chủ thể tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau, v.v, giao dịch bằng hình thức này thường được thực hiện và chấm dứt ngay sau đó.
Đối hình thức bằng văn bản sẽ có tính xác thực cao hơn và rõ ràng hơn so với giao dịch được thể hiện bằng lời nói. Trong một số giao dịch pháp luật yêu cầu giao dịch phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc do các bên có thỏa thuận phải có chứng nhận, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép thì các bên phải tuân thủ hình thức, thủ tục này.
Hai hình thức giao dịch bằng hành vi cụ thể và giao dịch thông qua phương tiện điển tử hiện nay vẫn phải là hình thức giao dịch phổ biến.
3. Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực
Căn cứ Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, để giao dịch dân sự có hiệu lực thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
– Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Như vậy để giao dịch dân sự có hiệu lực thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự; tự nguyện giao kết giữa các bên; nội dung giao dịch không vi phạm điều cấm của luật. Đặc biệt là giao dịch dân sự phải tuân thủ các hình thức mà pháp luật quy định đối với các trường hợp mà luật có quy định cụ thể. Ví dụ như: hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất bắt buộc phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực.
4. Quy định về thực hiện 2 phần 3 nghĩa vụ trong giao dịch dân sự
Theo Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các giao dịch dân sự vi phạm về điều kiện có hiệu lực về hình thức thì giao dịch đó vô hiệu, trừ các trường hợp sau:
– Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
– Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Từ điều luật trên, chúng ta có thể hiểu rằng đối với các giao dịch dân sự có yêu cầu về điều kiện có hiệu lực về hình thức như phải lập thành văn bản, văn bản phải được công chứng, chứng thực thì mới có hiệu lực. Ví dụ: Hợp đồng tặng cho Nhà đất, mua bán xe ô tô, v.v.
Tuy nhiên, trường hợp các bên không tuân thủ hình thức nà nhưng một hoặc các bên chủ thể đã thực hiện ít nhất hai phần ba hiệu lực đó thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch có hiệu lực.
Tham khảo Án Lệ số 55/2022/AL (trích):
“[6] Về thời hạn thực hiện giao dịch được hai bên xác định là từ khi xác lập giao dịch cho đến khi phía bị đơn thực hiện xong nghĩa vụ sang tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nguyên đơn, nên đây là giao dịch đang được thực hiện, về nội dung, hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 nên áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 là đúng với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Như vậy, tuy thời điểm các bên thỏa thuận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phía bị đơn chưa được cấp đất nên chỉ lập giấy viết tay thể hiện nội dung thỏa thuận, nhưng khi được cấp đất các bên đã thay đổi thỏa thuận bằng lời nói thành chuyển nhượng thửa 877 và tiếp tục thực hiện hợp đồng bằng việc giao thêm tiền, giao đất, giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời điểm giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang đứng tên bị đơn là đã đủ điều kiện để chuyển nhượng.
Theo quy định tại Điều 116, khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tuy giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các bên không tuân thủ về hình thức được quy định tại khoản 1 Điều 502 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhưng bên nguyên đơn đã thực hiện giao cho phía bị đơn 110.000.000 đồng, phía bị đơn đã giao quyền sử dụng đất cho nguyên đơn là đã thực hiện hơn 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch nên giao dịch được công nhận hiệu lực…”
Bạn có thể tham khảo thêm:
- Thủ tục Hòa giải tranh chấp Đất đai;
- Những tài sản nào phải đứng tên Vợ chồng?
- Luật sư tư vấn Hợp đồng thuê nhà.
5. Cách xác định mức độ thực hiện 2 phần 3 nghĩa vụ trong giao dịch dân sự
Hiện nay pháp luật không quy định một cách cụ thể như thế nào là 2 phần 3 nghĩa vụ dân sự, tuy nhiên có thể hiểu rằng để xác định các bên đã thực hiện ít nhất 2 phần 3 nghĩa vụ trong giao dịch phụ thuộc vào từng loại nghĩa vụ cụ thể. Nhìn chung sẽ có hai loại nghĩa vụ là nghĩa vụ tài sản và nghĩa vụ phi tài sản.
Nếu là nghĩa vụ tài sản thì các bên chủ thể phải thực hiện ít nhất 2 phần 3 nghĩa vụ tài sản trong hợp đồng. Ví dụ: Nghĩa vụ trả tiền thì phải trả ít nhất 2 phần 3 số tiền quy định.
Nghĩa vụ phi tài sản có thể hiểu là nghĩa vụ yêu cầu các bên phải hoàn thành công việc của mình thì lúc đó phải thực hiện ít nhất 2 phần 3 công việc.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về vấn đề thế nào là thực hiện 2 phần 3 nghĩa vụ trong giao dịch dân sự và các vấn đề liên quan.
Nếu Quý khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.