Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật hình sự, do Tòa án quyết định áp dụng đối với cá nhân hoặc pháp nhân thương mại phạm tội, nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của cá nhân, pháp nhân thương mại đó.
Mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
MỤC LỤC
1. Hình phạt chính là gì
Hình phạt chính là hình phạt cơ bản được áp dụng cho một loại tội phạm và được tuyên độc lập với mỗi tội phạm, toà án chỉ có thể tuyên án độc lập mỗi tội phạm một hình phạt chính.
Hình phạt chính bao gồm Hình phạt chính áp dụng cho cá nhân và Hình phạt chính áp dụng cho pháp nhân thương mại.
2. Các loại hình phạt chính áp dụng cho cá nhân, người phạm tội
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 32 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, các hình phạt chính bao gồm :
– Cảnh cáo;
– Phạt tiền;
– Cải tạo không giam giữ;
– Trục xuất;
– Tù có thời hạn;
– Tù chung thân;
– Tử hình.
Dưới đây là quy định chi tiết về từng hình phạt chính, cụ thể:
2.1. Cảnh cáo
Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Trong 07 hình phạt chính đối với người phạm tội thì cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất. Cảnh cáo thể hiện sự lên án công khai của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện khi hội đồng xét xử tuyên án đối với tội phạm mà họ đã thực hiện. Cảnh cáo tuy không có khả năng gây thiệt hại nhất định về thể chất cho người phạm tội nhưng với tính chất là sự khiển trách công khai của Nhà nước đối với người phạm tội, cảnh cáo vẫn có tác động nhất định đến tinh thần của người bị kết án để qua đó giáo dục họ. Hình phạt cảnh cáo được quy định, áp dụng cho người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (được quy định tại Điều 51 BLHS) nhưng chưa đến mức được miễn hình phạt. Các điều kiện miễn hình phạt được quy định tại Điều 59 BLHS.
2.2. Phạt tiền
Phạt tiền là hình phạt buộc người phạm tội phải nộp một khoản tiền nhất định vào ngân sách nhà nước.
Phạt tiền tước đi lợi ích vật chất của người phạm tội, tác động đến tình trạng tài sản của họ và thông qua đó tác động đến ý thức, thái độ của người phạm tội. Phạt tiền cũng có tính răn đe, giáo dục đối với người khác và qua đó có khả năng phòng ngừa chung.
Phạt tiền có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung.
Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng.
Phạt tiền là hình phạt bổ sung được quy định và áp dụng đối với các tội về tham nhũng, ma tuý hoặc một số tội phạm khác như: các tội xâm phạm trật tự quản lí,…
Mức phạt tiền được quy định tại các điều luật về các tội phạm cụ thể nhưng phải đảm bảo tối thiểu không được thấp hơn 1.000.000 đồng.
2.3. Cải tạo không giam giữ
Cải tạo không giam giữ là hình phạt chính, buộc người phạm tội phải cải tạo, giáo dục tại nơi làm việc, học tập, cư trú dưới sự giám sát của cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập hoặc của chính quyền địa phương, nơi họ cư trú.
Trong hệ thống hình phạt, cải tạo không giam giữ được coi là nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn nhưng nặng hơn phạt tiền và cảnh cáo. Cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, có nơi làm việc ổn định hoặc nơi cư trú rõ ràng và thấy không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội. Như vậy, hai điều kiện cần của cải tạo không giam giữ là điều kiện bảo đảm hiệu quả của việc áp dụng hình phạt. Ngoài ra còn đòi hỏi, việc các ly người phạm tội ra khỏi xã hội là không cần thiết.
2.4. Trục xuất
Trục xuất là hình phạt buộc người nước ngoài bị kết án trong thời hạn nhất định rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung tuỳ theo trường hợp được toà án áp dụng. Khi quyết định hình phạt đối với người nước ngoài, toà án căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của họ để trục xuất là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung.
2.5. Tù có thời hạn
Tù có thời hạn là hình phạt chính, buộc người phạm tội phải cách li khỏi xã hội trong thời gian nhất định để giáo dục, cải tạo.
Tù có thời hạn là hình phạt nghiêm khắc hơn hình phạt cải tạo không giam giữ. Sự hạn chế tự do của người bị kết án tù có thời hạn là nội dung pháp lí chủ yếu của loại hình này. Theo Điều 38 BLHS, tù có thời hạn có mức tối thiểu là 03 tháng và mức tối đa là hai mươi năm. Trong trường hợp phạm nhiều tội, mức tối đa của hình phạt này là ba mươi năm (Điều 55 BLHS).
2.6. Tù chung thân
Tù chung thân là hình phạt chính, buộc người phạm tội phải cách li xã hội suốt đời để giáo dục, cải tạo.
Trong hệ thống hình phạt Việt Nam, tù chung thân là hình phạt nghiêm khắc, chỉ nhẹ hơn hình phạt tử hình. Về điều kiện áo dụng tù chung thân, Điều 39 BLHS quy định, người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức xử phạt tử hình thì xử phạt tù chung thân. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, toà án phải dựa vào các căn cứ quyết định hình phạt (Điều 50 BLHS) để lựa chọn một trong ba hình phạt: Tử hình, tù chung thân, tù có thời hạn (ở mức cai) để áp dụng đối với người phạm tội. Thông thường trong trường hợp thực tiễn, hình phạt tù chung thân được áp dụng với trường hợp đặc biệt nghiêm trọng mà nếu áp dụng hình phạt tù có thời hạn ở mức tối đa vẫn còn nhẹ nhưng nếu phạt tử thình thì chưa thật sự cần thiết.
Trong thời gian chấp hành án tù chung thân nếu người bị kết án có kết quả cải tạo tốt thì người phạm tội có thể được giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
2.7. Tử hình
Tử hình là hình phạt chính, tước bỏ quyền sống của người bị kết án.
Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt.
Tử hình chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội. Tử hình không đặt ra mục đích cải tạo và giáo dục người bị kết án những vẫn có mục đích phòng ngừa riêng vì loại bỏ hoàn toàn khả năng phạm tội lại của người bị kết án. Ngoài ra, tử hình khi được áp dụng cũng tác động đến ý thức của người khác trong xã hội. Tử hình được áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma tuý, tham nhũng và một số tội đặc biệt nghiêm trọng khác như: các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hoà bình,…
3. Các loại hình phạt chính áp dụng cho pháp nhân thương mại
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 33 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, các hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại bao gồm :
– Phạt tiền;
– Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
– Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Dưới đây là quy định chi tiết về từng hình phạt chính, cụ thể:
3.1. Đình chỉ hoạt động có thời hạn
Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.
Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm.
3.2. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về các hình phạt chính theo pháp luật hình sự Việt Nam. Nếu Quý khách hàng có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.