Hiện nay, du lịch đang là một trong những ngành qua trọng trong nền kinh tế tại Việt Nam, mang về nguồn thu nhập cao và tạo việc làm cho phần lớn người dân, đặc biệt là các địa phương, tỉnh thành có nhiều lợi thế. Từ đó, nhu cầu tham gia thị trường này để phát triển kinh doanh ngày càng lớn mạnh. Vậy, ngành kinh doanh du lịch lữ hành là ngành gì? Việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có yêu cầu về Vốn không? Mời các bạn cùng Luật sư A&An tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết sau đây.
Căn cứ pháp lý: Luật du lịch 2017
MỤC LỤC
1. Các khái niệm
Trước hết, chúng ta cùng tham khảo một số khái niệm liên quan.
Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.
Du lịch lữ hành là một hình thức của hoạt động du lịch, các chủ thể với nhiều mục đích khác nhau xuất phát trên cùng một phương tiện để đi đến cùng một điểm đến, tuy nhiên, không nhất thiết các chủ thể phải có cùng một lí do để đi đến nơi đó.
Lữ hành thường mang tính trọn gói, khi chủ thể chọn một gói du lịch đến một nơi và trả một chi phí nhất định, nó sẽ bao gồm các chi phí để chi trả khách sạn, phương tiện đi lại, các bữa ăn cơ bản, v.v.
Theo Khoản 3 Điều 3 Luật du lịch 2017 quy định giải thích như sau: “Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch.”
Vậy, kinh doanh dịch vụ lữ hành là gì?
Căn cứ quy định tại Khoản 9, Điều 3 Luật du lịch 2017, kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.
2. Kinh doanh dịch vụ lữ hành
Để kinh doanh một loại hình du lịch, tổ chức, cá nhân cần xác định được phạm vi kinh doanh, quy mô hoạt động và nắm rõ các điều kiện khi thành lập và kinh doanh dịch vụ lữ hành.
2.1. Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành
Theo quy định tại Điều 30 Luật du lịch 2017 thì phạm vi kinh doanh gồm:
– Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa.
– Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.
– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa, trừ trường hợp Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Vậy, nếu là doanh nghiệp dịch vụ lữ hành quốc tế thì có thể kinh doanh cả hai loại hình là du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì chỉ được kinh doanh loại hình du lịch quốc tế.
2.2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành
Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định tại Điều 31 Luật du lịch 2017, cụ thể như sau:
a. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:
– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
– Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;
– Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.
b. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm:
– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
– Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng;
– Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
c. Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại mục a được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại mục b được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
3. Vậy quy định về Vốn pháp định của công ty kinh doanh lữ hành là bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ về mức ký quỹ và phương thức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, mức ký quỹ khi kinh doanh lữ hành du lịch cụ thể như sau:
- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.
- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:
– Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 (hai trăm năm mươi triệu) đồng;
– Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng;
– Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng.
Vậy, tuỳ vào loại hình doanh nghiệp, pháp luật sẽ quy định những mức vốn khác nhau như quy định nêu trên.
Trên đây là bài viết của Công ty Luật A&An về quy định đối với Doanh nghiệp lữ hành và Vốn pháp định của Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong quá trình tham khảo, áp dụng nếu có vướng mắc vui lòng liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ và giải đáp sớm nhất.