Sổ đỏ hay còn gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức để ghi nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của chủ sở hữu. Tuy nhiên ngày nay, thủ tục cấp sổ đỏ rất phức tạp và mất nhiều thời gian.
Vì vậy để dễ dàng và thuận lợi khi đăng ký cấp sổ đỏ lần đầu, tránh những rủi ro pháp lý khi thực hiện. Bài viết dưới đây, Công ty Luật A&An sẽ làm rõ trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu, xin mời các bạn tham khảo.
Căn cứ pháp lý:
– Luật đất đai năm 2013, sửa đổi, bổ sung năm 2018 và các văn bản hướng dẫn chi tiết hiện hành.
MỤC LỤC
1. Sổ đỏ là gì
Căn cứ quy định tại Khoản 16, Điều 3, Luật đất đai năm 2019: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất/Sổ đỏ là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
2. Các trường hợp cấp sổ đỏ lần đầu
Trong thực tế, nhiều trường hợp sử dụng đất đã lâu theo nhiều nguồn gốc, nguyên nhân khác nhau nhưng người sử dụng đất chưa được cấp sổ đỏ, sau đây là các trường hợp có nguồn gốc sử dụng đất phổ biến, thường gặp chưa được cấp sổ đỏ tại hầu hết các địa phương, tỉnh thành:
– Sử dụng đất khai hoang;
– Sử dụng đất do nhận thừa kế (do nhận thừa kế từ ông bà, cha mẹ … mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê);
– Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng của người khác mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê;
– Đất do nhận tặng cho mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê;
– Đất do chuyển đổi (đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đổi cho nhau để tiện chăm sóc, canh tác) mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê.
Từ đó, tùy từng trường hợp cụ thể, người được sử dụng đất sẽ được Nhà nước xem xét cấp Sổ đỏ lần đầu theo một số hình thức nhất định.
3. Trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu
Thủ tục cần thiết để cấp sổ đỏ lần đầu được quy định cụ thể qua 05 bước, cụ thể:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ gồm:
– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.
– Tờ khai lệ phí tước bạ.
– Tờ khai về các khoản thuế.
– Các giấy tờ về tài sản gắn liền với đất (nếu có).
– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính.
– Giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức.
Trong đó,
+ Các trường hợp được xem là có giấy tờ về quyền sử dụng đất gồm:
– Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
– Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
– Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
– Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;
– Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
– Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.
+ Các trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất gồm:
Theo quy định tại Điều 101, Luật đất đai năm 2019 trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong các trường hợp sau:
– Xác nhận của UBND cấp xã về sử dụng đất ổn định và lâu dài.
– Xác nhận của UBND cấp xã về việc không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch.
Bước 2: Sau khi hoàn thiện hồ sơ, cá nhân hoặc tổ chức nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã hoặc Bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cơ chế một cửa.
Bộ phận có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì viết phiếu hẹn trả kết quả. Nếu thiếu thì yêu cầu bổ sung, hoàn thiện.
Bước 3: Chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai
– Văn phòng đăng ký đất đai thẩm tra hồ sơ, xác minh thực địa khi cần thiết.
– Nếu đủ điều kiện thì viết Giấy chứng nhận gửi kèm hồ sơ gửi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định và trình chủ tịch UBND huyện ký giấy chứng nhận. Nếu không đủ điều kiện thì ghi lý do rõ ràng.
– Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bước 4: Văn phòng đăng ký đất đai chuyển kết quả đến Bộ phận tiếp nhận ban đầu để trả kết quả cho người sử dụng đất.
Thời gian giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ, sổ hồng lần đầu không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
4. Các chi phí khi đăng ký cấp sổ đỏ lần đầu
4.1. Tiền sử dụng đất
Tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Căn cứ tính tiền sử dụng đất:
– Diện tích đất được giao, được chuyển mục đích sử dụng, được công nhận quyền sử dụng đất;
– Mục đích sử dụng;
– Giá đất; trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất này là giá trúng đấu giá.
Tiền sử dụng đất = diện tích đất (phải nộp tiền sử dụng đất) x giá đất (căn cứ bảng giá đất do UBND tỉnh/thành phố quy định tại thời điểm tính) x tỷ lệ nộp (%).
Như vậy, khi được cấp sổ đỏ lần đầu, người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất, số tiền này được xác định dựa trên giá đất, mục đích sử dụng đất và diện tích đất được giao. Ngoài ra, tiền sử dụng đất cũng phụ thuộc rất lớn vào nguồn gốc thửa đất được cấp sổ đỏ, thời điểm sử dụng đất và giấy tờ chứng minh việc sử dụng đất cũng như thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất. Hiện nay, tiền sử dụng đất khi làm sổ đỏ gồm hai trường hợp:
– Trường hợp 1: Phải nộp tiền sử dụng đất.
– Trường hợp 2: Không phải nộp tiền sử dụng đất.
4.2. Lệ phí trước bạ
Lệ phí trước bạ là lệ phí nộp cho Nhà nước khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản.
Mức thu lệ phí trước bạ được quy định như sau:
Lệ phí trước bạ = 0.5% × Diện tích đất × Giá 1m2 đất do UBND cấp tỉnh ban hành
4.2. Thuế thu nhập cá nhân và các chi phí khác khi cấp sổ đỏ
Trên đây là bài viết tham khảo của Công ty Luật A&An về trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu. Nếu Quý khách hàng có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline: 0911.092.191 để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết.