Toà án là một trong số các cơ quan Tư pháp của Nhà nước Việt Nam, bên cạnh hai cơ quan Lập pháp và Hành pháp (Bộ ba tam quyền phân lập).
Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác
Để hiểu rõ hơn về khái niệm Toà án nhân dân, mời các bạn cùng Luật sư A&An tìm hiểu với bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lí
– Luật Hiến pháp 2013;
– Luật tổ chức Toà án nhân dân 2014.
MỤC LỤC
1. Toà án là gì
Theo Khoản 1, Khoản 2, Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định về Toà án như sau:
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.
Hệ thống tòa án nhân dân gồm có:
– Toà án nhân dân tối cao.
– Toà án nhân dân cấp cao.
– Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Toà án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
– Toà án quân sự
2. Chức năng của Tòa án
Cũng như Viện Kiểm sát, Toà án nhân dân cũng có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án
Tuỳ theo mỗi cấp khác nhau, Toà án nhân dân có nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau:
3.1. Đối với Toà án nhân dân Tối cao
– Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
– Tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
– Đào tạo; bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh khác của Tòa án nhân dân.
– Quản lý các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự về tổ chức theo quy định và các luật có liên quan, bảo đảm độc lập giữa các Tòa án.
– Trình Quốc hội dự án luật, dự thảo nghị quyết; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo quy định của luật.”
Cơ cấu tổ chức của Toà án nhân dân tối cao gồm:
– Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
– Bộ máy giúp việc;
– Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
Tòa án nhân dân tối cao có Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác, viên chức và người lao động.
3.2. Toà án nhân dân Cấp cao
Luật tổ chức Toà án nhân dân 2014 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án nhân dân cấp cao cụ thể như sau:
– Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
– Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.”
Cơ cấu tổ chức của Toà án nhân dân cấp cao gồm:
– Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao;
– Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
– Bộ máy giúp việc.
Tòa án nhân dân cấp cao có Chánh án, các Phó Chánh án, Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động.
3.3. Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Luật tổ chức Toà án nhân dân 2014, nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cụ thể như sau:
– Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.
– Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
– Kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị.
– Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm:
– Ủy ban Thẩm phán;
– Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Căn cứ quy định tại điểm này và yêu cầu thực tế xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức các Tòa chuyên trách;
– Bộ máy giúp việc.
Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Chánh án, các Phó Chánh án, Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động.
3.4. Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương
Luật tổ chức Toà án nhân dân 2014, nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương cụ thể như sau:
– Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.
– Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương:
– Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có thể có Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính. Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Căn cứ quy định tại khoản này và yêu cầu, thực tế xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức Tòa chuyên trách.
– Bộ máy giúp việc.
– Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có Chánh án, Phó Chánh án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên về thi hành án, công chức khác và người lao động.
Trên đây là nội dung bài viết của Công ty Luật A&An về toà án, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của toà án. Nếu Quý khách hàng có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.