THUẾ THU NHẬP TỪ CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN CỦA CÁ NHÂN MỚI NHẤT NĂM 2022
MỤC LỤC
Căn cứ pháp lý
– Luật Chứng khoán 2019;
– Luật Quản lý thuế 2019;
– Luật Doanh nghiệp 2020;
– Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014 và các văn bản hướng dẫn chi tiết hiện hành;
– Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp 2008, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2013, 2014, 2020 và các văn bản hướng dẫn chi tiết hiện hành.
Về Thuế, không có một quy định về khái niệm Thuế (nói chung) là gì, tương tự như vậy đối với khái niệm “Thuế thu nhập cá nhân” nói riêng. Cụ thể hơn nữa, là Thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần mới nhất, một loại thuế phát sinh thường xuyên, phổ biến trong nền kinh tế hiện tại, hiện đại.
Tại Việt Nam, xuyên suốt toàn bộ toàn bộ các quy định của pháp luật về Thuế, có thể hiểu rằng: Thuế mà một khoản tiền mà cá nhân/tổ chức phải nộp cho Nhà nước khi có phát sinh một khoản thu nhập theo quy định. Bài viết này, Luật sư A&An xin chia sẻ đến các bạn một số quy định liên quan cách tính thuế TNCN, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế Thuế TNCN, v.v từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần như Tiêu đề bài viết đã nêu, mời các bạn đọc theo dõi.
1. Cổ phần là gì
Theo quy định hiện hành tại Luật doanh nghiệp 2020, xét thấy không có định nghĩa cụ thể cổ phần là gì. Tuy nhiên cổ phần được nêu trong phần vốn điều lệ của công ty cổ phần, cụ thể: “Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần”, theo quy định này, có thể hiểu cổ phần là đơn vị nhỏ nhất được chia từ vốn điều lệ của Công ty.
2. Các loại thuế nào phải nộp khi chuyển nhượng cổ phần
Trước hết, theo quy định của Luật Chứng khoán 2019: Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
Ngoài ra, “Chứng khoán” được định nghĩa: Là tài sản, bao gồm các loại sau đây: a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; c) Chứng khoán phái sinh; d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
Vậy, việc chuyển nhượng cổ phần cũng đồng nghĩa với chuyển nhượng cổ phiếu, và trong nhóm chuyển nhượng chứng khoán nói chung.
Cổ phần là một đặc trưng cơ bản của công ty cổ phần. Cổ phần thực chất là các phần bằng nhau được chia ra từ vốn điều lệ của công ty. Ngoài ra, khi được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán, cổ phần cũng là một loại chứng khoán điển hình. Do đó, có thể hiểu, thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần trên sàn chứng khoán hoặc chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân, tổ chức trong công ty cổ phần đều được coi là thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
Theo quy định hiện hành, chuyển nhượng chứng khoán là một trong các thu nhập chịu thuế TNCN. Trong khi đó, Điều 4, Thông tư 25/2018/TT-BTC sửa đổi thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định:
“Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ Phần theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoán và Điều 120 của Luật doanh nghiệp”
3. Cách tính thuế
Theo quy định hiện hành, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán, cổ phần tính trên từng lần phát sinh, khác với tổ chức,thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, cổ phần được tính trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch hoặc năm tài chính.
Về tính thuế chuyển nhượng cổ phần, được quy định tại Điều 16, Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư số 111/2013/TT-BTC. Theo đó, thuế chuyển nhượng cổ phần được tính theo công thức sau:
3.1. Thu nhập tính thuế
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định là giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
Thuế thu nhập cá nhân
phải nộp |
= | Giá chuyển nhượng chứng khoán
từng lần |
x | Thuế suất 0,1% |
Trong đó:
+ Giá chuyển nhượng chứng khoán được xác định như sau:
a.1) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giá chuyển nhượng chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Giá thực hiện là giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán.
a.2) Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên, giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất theo quy định của pháp luật về kế toán trước thời điểm chuyển nhượng.
3.2. Thuế suất và cách tính thuế
Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
4. Hồ sơ khai thuế chuyển nhượng cổ phần
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 43 Luật quản lý thuế 2019 quy định, cụ thể:
Hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế bao gồm:
a) Tờ khai thuế;
b) Hóa đơn, hợp đồng và chứng từ khác có liên quan đến nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khi khai thuế chuyển nhượng cổ phần, cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
– Tờ khai thuế theo mẫu 04/CNV-TNCN ban hành kèm theo thông tư số 92/2015/NĐ-CP;
– Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
5. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 44, Luật quản lý thuế 2019 quy định cụ thể thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo năm, tháng, quý và theo từng lần phát sinh. Thuộc trường hợp kê khai thuế theo từng lần phát sinh, các cá nhân nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
Vậy, với những nội dung Luật sư A&An đã chia sẻ, hi vọng bài viết có thể cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích để tham khảo và áp dụng, tuân thủ đúng quy định khi phát sinh việc chuyển nhượng cổ phần.
Luật sư A&An – ∼ Our work. Your success! ∼