Khi vận hành một doanh nghiệp, bạn sẽ chịu trách nhiệm thanh toán nhiều loại thuế như: Thuế môn bài, Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp,… v.v, các loại thuế mà doanh nghiệp của bạn phải chịu phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh, loại hình và quy mô doanh nghiệp.
Thuế doanh nghiệp rất quan trọng, vì đây là nguồn thu chủ yếu của Ngân sách Nhà nước. Các loại thuế này được sử dụng để Chính phủ chi trả cho toàn bộ hoạt động chi tiêu, vận hành bộ máy, tài trợ cho nhiều chương trình khác nhau, kể cả các phúc lợi xã hội mà chính phủ cung cấp cho người dân.
Khi nói đến việc nộp thuế doanh nghiệp, việc quên nộp thuế đúng hạn sẽ có thể dẫn đến nhiều rắc rối không mong muốn như: Các khoản phạt nặng về tiền và một số hoạt động của doanh nghiệp có thể bị hạn chế.
Vậy thuế doanh nghiệp là gì? Nếu quên đóng thuế doanh nghiệp bị phạt như thế nào? Bài viết sau đây Luật sư A&An xin chia sẻ một số quy định của pháp luật hiện hành, mời các bạn theo dõi.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản hướng dẫn chi tiết hiện hành.
1. Thuế doanh nghiệp là gì
Thuế doanh nghiệp là khoản đóng góp bắt buộc từ các doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước vì lợi ích cộng đồng.
Vai trò của thuế đối với nhà nước và xã hội nói chung, có thể liệt kê như sau:
+ Thuế là công cụ chủ yếu huy động nguồn lực tài chínhcho Nhà nước;
+ Thuế là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế;
+ Thuế là công cụ điều hòa thu nhập, thực hiện công bằng xã hội;
+ Thuế là công cụ thực hiện kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh, v.v.
Đối với doanh nghiệp, một trong những trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng là quản lý về thuế của doanh nghiệp mình. Việc không quản lý và nộp thuế đúng hạn có thể dẫn đến một số hậu quả đáng kể cho doanh nghiệp cũng như chủ sở hữu.
2. Những loại thuế phổ biến ở Việt Nam
Theo pháp luật về thuế tại Việt Nam, các doanh nghiệp thường phát sinh khai và/hoặc nộp các loại thuế phổ biến như sau:
- Thuế môn bài
Theo quy định trước đây tại Pháp lệnh Thuế Công thương nghiệp. Thuế môn bài là thuế kinh doanh của tổ chức và cá nhân kinh doanh thường xuyên hoặc buôn từng chuyến hàng đều phải.
Cụm từ này hiện nay trong các văn bản hiện hành không còn chính thức sử dụng, mà được gọi là Lệ phí môn bài.
Mức thuế hiện hành được quy định như sau:
– Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;
+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;
+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
– Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm;
+ Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình theo hướng dẫn Bộ Tài chính.
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) khi hết thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp):
Trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể có hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
- Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp là mức thuế nộp dựa theo thu nhập của doanh nghiệp, những thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định trong khoản Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2020m bao gồm:
– Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
– Thu nhập khác, bao gồm:
+ Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn;
+ Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản;
+ Thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật;
+ Thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá;
+ Thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi đã xoá nay đòi được;
+ Khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ;
+ Khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác, kể cả thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam.
- Thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp trong một phần tiền lương, hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ.
Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp thực hiện khai và nộp thay cho cá nhân đối với khoản Thuế này như: Công ty cổ phần trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân thì phải khai, nộp thuế theo tháng hoặc quý; Đối với thu nhập của cá nhân hợp tác kinh doanh; Đối với thu nhập từ đầu tư vốn, v.v.
3. Quy định về trách nhiệm của người nộp thuế
Theo quy định của Luật quản lý thuế số, người nộp thuế phải có các trách nhiệm sau đây:
– Thực hiện đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật.
– Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.
– Nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm.
– Chấp hành chế độ kế toán, thống kê và quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
– Ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và giao dịch phải kê khai thông tin về thuế.
– Lập và giao hóa đơn, chứng từ cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
– Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, bao gồm cả thông tin về giá trị đầu tư; số hiệu và nội dung giao dịch của tài khoản được mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
– Chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
– Chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật trong trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện thủ tục về thuế sai quy định.
– Người nộp thuế thực hiện hoạt động kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật.
– Căn cứ tình hình thực tế và điều kiện trang bị công nghệ thông tin, Chính phủ quy định chi tiết việc người nộp thuế không phải nộp các chứng từ trong hồ sơ khai, nộp thuế, hồ sơ hoàn thuế và các hồ sơ thuế khác mà cơ quan quản lý nhà nước đã có.
– Xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo đảm việc thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan quản lý thuế, áp dụng kết nối thông tin liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan quản lý thuế.
– Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết có nghĩa vụ lập, lưu trữ, kê khai, cung cấp hồ sơ thông tin về người nộp thuế và các bên liên kết của người nộp thuế bao gồm cả thông tin về các bên liên kết cư trú tại các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam theo quy định của Chính phủ.
4. Vậy thế nào là chậm nộp tiền thuế
Các trường hợp phải nộp tiền chậm nộp thuế được quy định tại Khoản 1 Điều 59 Luật quản lý thuế 2019, cụ thể:
– Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế;
– Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số tiền thuế phải nộp hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện khai thiếu số tiền thuế phải nộp thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế phải nộp tăng thêm kể từ ngày kế tiếp ngày cuối cùng thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế có sai, sót hoặc kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu;
– Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số tiền thuế đã được hoàn trả hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện số tiền thuế được hoàn nhỏ hơn số tiền thuế đã hoàn thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế đã hoàn trả phải thu hồi kể từ ngày nhận được tiền hoàn trả từ ngân sách nhà nước;
– Trường hợp được nộp dần tiền thuế nợ quy định tại khoản 5 Điều 124 của Luật quản lý thuế;
– Trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế do hết thời hiệu xử phạt nhưng bị truy thu số tiền thuế thiếu quy định tại khoản 3 Điều 137 của Luật quản lý thuế. ;
– Trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 142 của Luật quản lý thuế.
– Cơ quan, tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế chậm chuyển tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chậm chuyển theo quy định.
5. Doanh nghiệp không đóng thuế bị phạt như thế nào
5.1. Phạt chậm nộp thuế
Tại Điểm a Khoản 2 Điều 59 Luật quản lí thuế 2019 quy định mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, cụ thể:
Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp quy định tại khoản 1 Điều này đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.
5.2. Cưỡng chế nộp thuế
Các trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cụ thể:
– Người nộp thuế có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định.
– Người nộp thuế có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế.
– Người nộp thuế có tiền thuế nợ có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.
Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:
– Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản;
– Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;
– Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
– Ngừng sử dụng hóa đơn;
– Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật;
– Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;
– Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về Thuế doanh nghiệp và hậu quả của việc chậm đóng thuế. Nếu Quý khách hàng có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.