Ly hôn đã không còn quá xa lạ trong thời đại hiện nay, và đây được coi là một trong những thời điểm đánh dấu sự kết thúc của quan hệ hôn nhân. Vậy thời điểm chấm dứt hôn nhân là gì? Làm cách nào để chúng ta xác định được thời điểm chấm dứt hôn nhân? Bài viết dưới đây Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý: Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
1. Chấm dứt hôn nhân là gì?
Chấm dứt hôn nhân là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng về quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản.
Theo Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, khi phát sinh một trong các sự kiện sau sẽ làm chấm dứt quan hệ hôn nhân:
– Vợ chồng ly hôn;
– Một bên hoặc cả hai vợ chồng chết;
– Một bên hoặc cả hai vợ chồng bị toà án tuyên bố là đã chết theo quy định của pháp luật dân sự.
MỤC LỤC
2. Thời điểm chấm dứt quan hệ hôn nhân
2.1. Thời điểm chấm dứt quan hệ hôn nhân do ly hôn
Theo quy định tại Khoản 14, điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Ly hôn việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án’’
Vậy chúng ta có thể hiểu rằng khi có bản án, Quyết định của Tòa án cho ly hôn có hiệu lực thì quan hệ vợ chồng sẽ chấm dứt. Đây cũng được coi là định nghĩa của “chấm dứt hôn nhân” quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cụ thể:
“Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật”.
Có thể thấy, chỉ khi vợ, chồng yêu cầu ly hôn, được Tòa án xem xét, giải quyết thông qua bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật thì quan hệ vợ, chồng mới chấm dứt vào thời điểm bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực.
Căn cứ điều 55 và Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, có 02 trường hợp trong việc chấm dứt hôn nhân do ly hôn đó là thuận tình ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên (hay còn gọi là đơn phương ly hôn), cụ thể:
– Thuận tình ly hôn (Theo Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014): Là trường hợp cả vợ và chồng cùng có ý chí yêu cầu Tòa án thực hiện việc ly hôn. Thông thường trong trường hợp này thì cả hai bên đã thỏa thuận trước về việc chia tài sản và người nuôi dưỡng, chăm sóc con cái.
– Đơn phương ly hôn (Theo Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014): Là khi chỉ có vợ hoặc chồng muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân mà bên kia không muốn. Hoặc trong trường hợp vợ chồng không thống nhất được việc phân chia tài sản và chăm sóc con cái cũng được xem là đơn phương ly hôn.
Hiện nay, có nhiều người cho rằng khi hai vợ chồng ly thân thì bắt đầu từ thời điểm đó là thời điểm chấm dứt hôn nhân vì họ đã không còn sống chung và cũng không còn tình cảm, không còn liên quan gì tới cuộc sống của nhau nữa. Tuy nhiên, pháp luật lại không có quy định nào về việc ly thân và cũng chẳng có quy định nào quy định ly thân là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân. Do dó, cho dù ly thân thì vẫn không được coi là thời điểm chấm dứt hôn nhân.
2.2. Chấm dứt hôn nhân do vợ, chồng chết hoặc một bên bị Tòa án tuyên bố đã chết
Căn cứ Điều 65 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, thời điểm chấm dứt hôn nhân quy định như sau:
Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết.
Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.
Như vậy, chấm dứt hôn nhân do vợ, chồng chết hoặc một bên bị Tòa án tuyên bố đã chết được coi là một trường hợp đặc biệt. Theo đó, khi vợ hoặc chồng chết thì mặc nhiên quan hệ hôn nhân chấm dứt, các quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng phát sinh từ quan hệ hôn nhân cũng sẽ chấm dứt theo mà không cần phải tiến hành thủ tục ly hôn tại Tòa án.
Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hôn nhân khi vợ, chồng đã chết:
+ Đối với tài sản chung của vợ, chồng sẽ được chia theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình và pháp luật về thừa kế. Vợ chông có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật thừa kế
+ Trường hợp không có yêu cầu của những người thừa kế chia di sản của người vợ, chồng đã chết thì bên còn sống có quyền quản lý di sản chung của vợ chồng , trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người quản lý di sản (Khoản 2 Điều 31 Luật Hôn nhân gia đình 2014)
+ Trường hợp cần phải chia di sản của người vợ, chồng đã chết thì theo yêu cầu của những người thừa kế thì tài sản chung của vợ, chồng sẽ được chia đôi; phần tài sản của người vợ, chồng đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
+ Theo quy định của pháp luật về thừa kế thì vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo di chúc hoặc theo pháp luật. Nếu chia di sản thừa kế theo pháp luật thì người chồng, vợ còn sống thuộc hàng thừa kế thứ 1 cùng với cha, mẹ và con của người vợ, chông đã chết (Điều 676 Bộ luật dân sự 2015). Người chồng, vợ còn sống là chủ sở hữu một phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và một phần di sản thừa kế của người vợ, chồng đã chết, cùng với những người thừa kế khác.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về thời điểm chấm dứt hôn nhân? Nếu Quý khách hàng có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.