Trong bối cảnh đời sống xã hội ngày càng hiện đại thì nhu cầu không dùng tiền mặt và chuyển sang dùng tài khoản ngân hàng đang có xu hướng gia tăng do những tiện lợi mà nó đem lại trong việc bảo mật, di chuyển hay trong quá trình thanh toán.
Theo đó, giao dịch qua tài khoản ngân hàng trở thành một trong những phương thức giao dịch tiền bạc quan trọng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.Thực tế hiện nay, nhiều trường hợp, nhiều nguyên nhân mà chủ tài khoản ngân hàng bị ngân hàng phong tỏa tài khoản, dẫn đến những thiệt hại nhất định.
Vậy theo quy định hiện hành, những trường hợp nào ngân hàng được quyền phong tỏa tài khoản của khách hàng? Trong bài viết này, Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo.
MỤC LỤC
Căn cứ pháp lý
– Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
– Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2021;
– Nghị định số 101/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP;
– Thông tư 23/2014/TT-NHNN sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 02/2019/TT-NHNN.
1. Định nghĩa về phong tỏa tài khoản ngân hàng
Căn cứ Điều 124 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc Nhà nước được quy định như sau:
“Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.”
Ngoài ra, căn cứ Khoản 1, Điều 129 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 cũng quy định về phong tỏa tài khoản như sau:
“Phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.”
Theo đó, với các quy định trên thì phong tỏa tài khoản ngân hàng được hiểu là việc ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước thực hiện khóa một phần hoặc toàn bộ tài khoản trong một khoảng thời gian nhất định. Khi một tài khoản bị phong tỏa, việc truy cập và sử dụng tài khoản đó sẽ bị hạn chế hoặc ngừng hoàn toàn.
Phong tỏa tài sản là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng tài sản hiện có và bảo đảm việc thi hành án.
Đối với việc giải quyết vụ án hình sự, phong toả tài sản ngân hàng là một trong các biện pháp cưỡng chế quan trọng nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của bằng chứng và dữ liệu, cung cấp một cơ sở vững chắc để tòa án đưa ra quyết định chính xác và công bằng.
2. Các trường hợp ngân hàng được quyền phong toả tài khoản ngân hàng của khách hàng
Căn cứ theo Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-NHNN sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 02/2019/TT-NHNN thì ngân hàng nhà nước được phong tỏa tài khoản của khách hàng trong một số trường hợp sau:
– Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp sau:
+ Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
+ Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện thấy có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền, số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;
+ Có thông báo bằng văn bản của một trong các chủ tài khoản về việc phát sinh tranh chấp về tài khoản thanh toán chung giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.”
Ngay sau khi phong tỏa tài khoản thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo (bằng văn bản hoặc theo hình thức thông báo đã thỏa thuận tại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và khách hàng mở tài khoản thanh toán) cho chủ tài khoản hoặc người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản biết về lý do và phạm vi phong tỏa tài khoản thanh toán.
Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán phải được bảo toàn và kiểm soát chặt chẽ theo nội dung phong tỏa. Trường hợp tài khoản bị phong tỏa một phần thì phần không bị phong tỏa vẫn được sử dụng bình thường.
Theo các quy định trên, Ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác chỉ được quyền phong toả tài khoản của khách hàng trong 03 trường hợp cụ thể như:
– Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền;
– Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền;
– Khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
Ngoài ra, ngay sau khi phong tỏa tài khoản thanh toán, đơn vị phong toả tài khoản có nghĩa vụ phải thông báo cho chủ tài khoản hoặc người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản biết về lý do và phạm vi phong tỏa tài khoản thanh toán.
Trường hợp ngân hàng phong tỏa tài khoản trái pháp luật và gây thiệt hại cho chủ tài khoản thì phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Khoản 4, Điều 12 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP, cụ thể:
“4. Việc phong tỏa tài khoản thanh toán nếu trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thì bên ra lệnh phong tỏa tài khoản phải chịu tránh nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.”
3. Chấm dứt phong toả tài khoản
Căn cứ Khoản 4, Điều 17, Thông tư 23/2014/TT-NHNN sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 02/2019/TT-NHNN, Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán khi có một trong các điều kiện sau:
– Kết thúc thời hạn phong tỏa;
– Có văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về việc chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán, ví dụ theo Khoản 1, Điều 130, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, cơ quan có thẩm quyền có văn bản yêu cầu huỷ bỏ việc phong toả tài khoản trong trường hợp:
+ Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án;
+ Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can;
+ Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội;
+ Bị cáo không bị phạt tiền, tịch thu tài sản và bồi thường thiệt hại.
+ Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn về chuyển tiền;
+ Có thông báo bằng văn bản của tất cả các chủ tài khoản thanh toán chung về việc tranh chấp về tài khoản thanh toán chung giữa các chủ tài khoản thanh toán chung đã được giải quyết.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về những trường hợp nào ngân hàng dược phong tỏa tài khoản của khách hàng.
Nếu Quý khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.