Miễn trách nhiệm hình sự là một trong những chính sách thể hiện sự khoan dung, khoan hồng của nhà nước. Bên cạnh đó cũng là thể chế quan quan điểm pháp luật xử lý đúng người, đúng tội, đúng mức độ, đúng pháp luật. Đây là chế định mà trong một số trường hợp người phạm tội sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của mình. Vậy theo luật những ai được miễn trách nhiệm hình sự? Quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào? Bài viết dưới đây Luật sư A&An xin trình bày về nội dung này. Xin mời các bạn tham khảo.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;
– Bộ luật tố tụng Hình sự.
MỤC LỤC
1. Trước hết, miễn trách nhiệm Hình sự là gì?
Miễn trách nhiệm hình sự là một chế định được quy định trong luật Hình sự của Việt Nam, theo đó, đây là những hành vi phạm tội mà pháp luật cho rằng không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Đây là trường hợp một người đã thực hiện hành vi phạm tội rồi nhưng lại đáp ứng được một số điều kiện mà pháp luật đưa ra để được miễn trách nhiệm hình sự. Hoặc trong một số trường hợp đặc biệt, người đang phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định.
2. Trường hợp nào và những ai sẽ được miễn trách nhiệm Hình sự?
Pháp luật quy định có 02 trường hợp người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự đó là: Đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự và Có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Sau đây là các trường hợp cụ thể.
2.1. Các trường hợp người phạm tội đương nhiên được miễn trách nhiệm Hình sự
Căn cứ Điều 16, khoản 1 Điều 29, khoản 4 Điều 110 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Là khi người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội của mình do đó không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
b. Trong quá trình tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử mà có sự thay đổi chính sách, pháp luật cho rằng hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Có rất nhiều điều luật trong quá trình thực thi pháp luật nhà nước nhận thấy không còn phù hợp, không gây nguy hiểm cho xã hội nữa thì điều luật đó sẽ được sửa đổi và thực thi theo Điều luật mới.
c. Khi có quyết định đại xá.
d. Các trường hợp vụ án khởi tố khi có yêu cầu của Bị hại nhưng sau đó Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức. Cụ thể, là các trường hợp thuộc các tội theo quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự.
đ. Trường hợp người đã nhận làm gián điệp nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội nà
2.2. Các trường hợp người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự
Căn cứ Khoản 2 Điều 29 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về một số trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự, tuy nhiên bên cạnh các quy định cụ thể của bộ luật Hình sự thì cơ quan thi hành còn phải xem xét kĩ lưỡng tới các tình tiết của vụ án để quyết định đó có phải là hành vi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự không. Sau đây là một số trường hợp cụ thể được miễn trách nhiệm hình sự cụ thể:
a. Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b. Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c. Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
d. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
2.3. Miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về một số điều kiện để người dưới mười tám tuổi được miễn trách nhiệm Hình sự, cụ thể như sau:
a. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;
b. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;
c. Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.
3. Người được miễn trách nhiệm hình sự có được xem là chưa phạm tội không?
Bộ luật Hình sự đưa ra chế định miễn trách nhiệm hình chỉ dành cho người có hành vi phạm tội, do đó, nó thể áp dụng trong các trường hợp với những người không phạm tội hoặc là không có cơ sở xác minh được đó là hành vi phạm tội. Người được miễn trách nhiệm hình sự là người đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng có đủ điều kiện theo quy định của luật nên được miễn trách nhiệm hình sự. Do đó, đương nhiên đây vẫn được coi có là hành vi phạm tội.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự. Trong quá trình tham khảo, áp dụng nếu có vướng mắc vui lòng liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ và giải đáp sớm nhất.