Hiện nay, các chính sách đối với người cao tuổi của nước ta không chỉ dừng lại ở góc độ đạo đức, truyền thông kính già nhường trẻ mà còn thể hiện rất rõ ở trong các quy định pháp luật với tư duy người cao tuổi cần được hỗ trợ, chăm sóc đầy đủ về sức khoẻ, tinh thần.
Trên thực tế, do mong muốn được tiếp tục làm việc thay vì nghỉ hưu, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận giữ lại người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người cao tuổi.
Trong bài viết này Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo.
MỤC LỤC
- Căn cứ pháp lý
- 1. Trước hết, thế nào là các ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm?
- 2. Quy định xác định người lao động cao tuổi
- 3. Điều kiện được sử dụng người lao động cao tuổi làm ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
- 4. Xử phạt doanh nghiệp sử dụng người lao động cao tuổi làm việc trong các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không đúng quy định
- Luật sư A&An ∼ Our Work. Your Success!
Căn cứ pháp lý
– Bộ luật Lao động 2019;
– Nghị định 39/2016/NĐ-CP;
– Nghị định 12/2022/NĐ-CP;
– Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH.
1. Trước hết, thế nào là các ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm?
Từ ngày 01/3/2021, Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực, đã ban hành danh mục nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được áp dụng.
Theo Thông tư này gồm có 1.838 nghề, công việc có yếu tố nặng, độc hại, chia thành 31 lĩnh vực khác nhau và phân theo loại điều kiện lao động loại IV, V, VI, theo đó:
– Lĩnh vực khai thác khoáng sản – Điều kiện lao động loại V, VI;
– Lĩnh vực cơ khí luyện kim – Điều kiện lao động loại V, VI;
– Lĩnh vực hóa chất – Điều kiện lao động loại V, VI;
– Lĩnh vực vận tải – Điều kiện lao động loại V, VI;
– Lĩnh vực xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi – Điều kiện lao động loại VI, V;
– Lĩnh vực điện – Điều kiện lao động loại V;
– Lĩnh vực thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông – Điều kiện lao động loại VI, V.
Cụ thể:
– Khai thác khoáng sản: 108 nghề/công việc;
– Cơ khí, luyện kim: 180 nghề/công việc;
– Hóa chất: 159 nghề/công việc;
– Vận tải: 100 nghề/công việc;
– Xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi: 58 nghề/công việc;
– Điện: 100 nghề/công việc;
– Thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông: 39 nghề/công việc;
– Sản xuất xi măng: 39 nghề/công việc;
– Sành sứ, thủy tinh, nhựa tạp phẩm, giấy, gỗ: 52 nghề/công việc;
– Da giày, dệt may: 58 nghề/công việc;
– Nông nghiệp và lâm nghiệp (bao gồm trồng trọt, khai thác, chế biến nông, lâm sản, chăn nuôi – chế biến gia súc, gia cầm): 118 nghề/công việc;
– Thương mại: 47 nghề/công việc;
– Phát thanh, truyền hình: 18 nghề/công việc;
– Dự trữ quốc gia: 05 nghề/công việc;
– Y tế và dược: 66 nghề/công việc;
– Thủy lợi: 21 nghề/công việc;
– Cơ yếu: 17 nghề/công việc;
– Địa chất: 24 nghề/công việc;
– Xây dựng (xây lắp): 12 nghề/công việc;
– Vệ sinh môi trường: 27 nghề/công việc;
– Sản xuất gạch, gốm, sứ, đá, cát, sỏi, kính xây dựng, vật liệu xây dựng: 46 nghề/công việc;
– Sản xuất thuốc lá: 32 nghề/công việc;
– Địa chính: 06 nghề/công việc;
– Khí tượng thủy văn: 08 nghề/công việc;
– Khoa học công nghệ: 57 nghề/công việc;
– Hàng không: 55 nghề/công việc;
– Sản xuất, chế biến muối ăn: 03 nghề/công việc;
– Thể dục – thể thao, văn hóa thông tin: 47 nghề/công việc;
– Thương binh và xã hội: 14 nghề/công việc;
– Bánh kẹo, bia, rượu, nước giải khát: 23 nghề/công việc;
– Du lịch: 08 nghề/công việc;
– Ngân hàng: 16 nghề/công việc;
– Sản xuất giấy: 24 nghề/công việc;
– Thủy sản: 38 nghề/công việc;
– Dầu khí: 119 nghề/công việc;
– Chế biến thực phẩm: 14 nghề/công việc;
– Giáo dục – đào tạo: 04 nghề/công việc;
– Hải quan: 09 nghề/công việc;
– Sản xuất ô tô xe máy: 23 nghề/công việc;
– Lưu trữ: 01 nghề/công việc;
– Tài nguyên môi trường: 24 nghề/công việc;
– Cao su: 19 nghề/công việc.
2. Quy định xác định người lao động cao tuổi
Về khái niệm người lao động cao tuổi, Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 có quy định cụ thể về người lao động cao tuổi như sau:
- Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.
- Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
- Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Đồng thời, độ tuổi xác định người lao động cao tuổi theo quy định tại Khoản 2, Điều 162, Bộ Luật lao động 2019 như sau:
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Theo các quy định trên, tính đến năm 2024 người lao động cao tuổi được hiểu là người tiếp tục làm việc sau 61 tuổi đối với lao động nam và sau 56 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ.
3. Điều kiện được sử dụng người lao động cao tuổi làm ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Căn cứ theo Điều 29 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cụ thể như sau:
Chỉ sử dụng người lao động cao tuổi làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi khi có đủ các Điều kiện sau đây:
+ Người lao động cao tuổi phải là người có kinh nghiệm, với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; trong đó có ít nhất 10 năm hành nghề liên tục tính đến trước thời Điểm ký hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi;
+ Người lao động cao tuổi là người có tay nghề cao, có chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật; người sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra, sát hạch trước khi ký hợp đồng lao động;
+ Người lao động cao tuổi phải có đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi có ý kiến của bộ chuyên ngành tương ứng với nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; được người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 02 lần trong 01 năm;
+ Chỉ sử dụng không quá 05 năm đối với từng người lao động cao tuổi;
+ Phải bố trí ít nhất 01 người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng làm với người lao động cao tuổi khi triển khai công việc tại một nơi làm việc;
+ Có đơn của người lao động cao tuổi về sự tự nguyện làm việc để người sử dụng lao động xem xét trước khi ký hợp đồng lao động.
Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động muốn sử dụng người lao động cao tuổi làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm được quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH, người sử dụng lao động phải đáp ứng các điều kiện như đã nêu.
4. Xử phạt doanh nghiệp sử dụng người lao động cao tuổi làm việc trong các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không đúng quy định
Tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng người lao động cao tuổi để làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
Lưu ý: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền trên áp dụng đối người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp đôi.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp sử dụng người lao động cao tuổi để làm các việc nặng nhọc mà không bảo đảm các điều kiện an toàn cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về vấn đề “có được phép sử dụng người cao tuổi làm việc nặng nhọc, độc hại”. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911.092.191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất !