KHAI SINH LÀ GÌ? KHI NÀO ĐƯỢC ĐĂNG KÝ LẠI KHAI SINH? ỦY QUYỀN CHO NGƯỜI THÂN ĐI ĐĂNG KÝ LẠI KHAI SINH THÌ CÓ BẮT BUỘC CÔNG CHỨNG, CHỨNG KHÔNG?
1. Khai sinh là gì?
Khai sinh là thủ tục đăng ký, khai về sự kiện một được sinh ra tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các nội dung cơ bản của việc khai sinh gồm: Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh, v.v.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Công chức tư pháp – hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.
2. Khi nào được đăng ký lại khai sinh là gì?
Trong một số trường hợp, một người đã khai sinh có quyền đăng ký khai sinh lại như sau:
a. Việc khai sinh đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.
b. Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.
Lưu ý. Việc đăng ký lại khai sinh chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.
3. Ủy quyền cho người thân đăng ký khai sinh lại có phải công chứng, chứng thực không?
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 2, Thông tư 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp ngày 28/5/2020, cụ thể:
“Điều 2. Việc ủy quyền đăng ký hộ tịch
1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại. Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực….”
Vậy, việc một người ủy quyền cho người thân gồm: ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của mình thực hiện thủ tục đăng ký lại việc khai sinh thì phải lập văn bản ủy quyền, tuy nhiên, văn bản này không cần phải công chứng, chứng thực.
Luật sư A&An ∼ Our work. Your success! ∼