Một trong những nội dung quan trọng khi thành lập doanh nghiệp đó là kê khai vốn điều lệ.
Thực tế hiện nay, có không ít doanh nghiệp không ngần ngại “thổi phồng” số vốn điều lệ lên vì mục đích tăng uy tín, quy mô doanh nghiệp, qua đó, mở rộng quan hệ kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận dù biết đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong bài viết này, Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo.
MỤC LỤC
Căn cứ pháp lý
– Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
1. Khái niệm về Vốn điều lệ
Căn cứ Khoản 34, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.”
Như vậy, vốn điều lệ được hiểu đơn giản là tổng giá trị tài sản bao gồm: tiền mặt, đất đai, vàng bạc hoặc bất kỳ một tài sản nào khác mà công ty đang sở hữu chứng minh cho nguồn vốn góp khi thành lập công ty.
Đối với mỗi công ty sẽ có các mức quy định vốn điều lệ khác nhau để đảm bảo việc vốn điều lệ đó giúp cho doanh nghiệp có thể duy trì được hoạt động kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên có một lưu ý rằng khi đi đăng ký doanh nghiệp bạn phải chứng minh muồn vốn điều lệ của bạn có được là hợp pháp và có thật, nếu không sẽ không được chấp nhận.
Vốn điều lệ được ghi nhận trong Điều lệ công ty và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Kê khai khống vốn điều lệ
Căn cứ Khoản 5, Điều 16 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động doanh nghiệp như sau:
“Điều 16. Các hành vi bị nghiêm cấm
5. Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.”
Theo quy định trên, có thể thấy khai khống vốn điều lệ được hiểu là việc vốn điều lệ không có thực, doanh nghiệp tự kê khai để đăng ký kinh doanh dẫn đến việc ghi nhận thông tin vốn điều lệ không chính xác với thực tế góp vốn.
Trên thực tế, khi thực hiện xử phạt việc xác minh khai khống vốn điều lệ do cơ quan thanh tra có nghĩa vụ chứng minh.
3. Mức xử phạt khi doanh nghiệp khai khống vốn điều lệ
Theo quy định tại Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp có hành vi vi phạm về kê khai vốn điều lệ phải chịu mức xử phạt sau đây:
“Điều 47. Vi phạm về kê khai vốn điều lệ
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.
5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.”
Việc thành lập một doanh nghiệp hiện nay tương đối khá dễ dàng tại Việt Nam, chỉ cần đăng ký online là có thể có trong tay giấy phép kinh doanh doanh nghiệp. Tuy nhiên nhằm răn đe cá nhân, tổ chức có hành vi khai khống vốn điều lệ, pháp luật Việt Nam đã quy định đối với hành vi khai khống vốn điều lệ tuỳ vào giá trị vốn điều lệ kê khai khống mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền đến 100.000.000 đồng.
Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với từng hành vi.
Tham khảo thêm:
- Luật sư riêng cho Doanh nghiệp;
- 04 hình thức chuyển đổi Công ty TNHH thành Công ty Cổ phần;
- Các điều kiện pháp đáp ứng khi kinh doanh Bất động sản.
Lưu ý về thời hạn đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ
+ Đối với Công ty TNHH một thành viên: Chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. (Khoản 3, Điều 75, Luật doanh nghiệp 2020)
+ Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp (Khoản 4, Điều 47, Luật doanh nghiệp 2020)
+ Đối với Công ty cổ phần: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập. (Điểm d, Khoản 3, Điều 113, Luật doanh nghiệp 2020).
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về khai khống vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp có bị xử phạt.
Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.