Công đoàn là tổ chức được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Công đoàn cơ sở giữ vai trò quan trọng đối với người lao động, là một tổ chức đứng giữa mối quan hệ của người lao động và người sử dụng lao động nhằm mục đích bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên, hài hòa mối quan hệ này để cùng phát triển, giữ ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
Do đó, người lao động tham gia tổ chức này với vai trò là cán bộ công đoàn sẽ có những đặc quyền nhất định. Thực tế hiện nay, nhiều trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn đương nhiệm, gây tác động xấu đến hoạt động công đoàn.
Vậy pháp luật hiện hành quy định doanh nghiệp có quyền không gia hạn hợp đồng đối với chủ tịch công đoàn cơ sở đương nhiệm không? Trong bài viết này Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo.
MỤC LỤC
Căn cứ pháp lý
– Luật Công đoàn 2012;
– Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1. Khái niệm về công đoàn cơ sở
Căn cứ Khoản 3, Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 định nghĩa về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:
Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Luật Công đoàn 2012 giải thích khái niệm công đoàn cơ sở cụ thể:
Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Theo các quy định trên, Công đoàn cơ sở là tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở là thành viên Ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp cơ sở.
2. Doanh nghiệp có quyền không gia hạn HĐLĐ với Chủ tịch Công đoàn cơ sở?
Căn cứ Khoản 4, Điều 177 của Bộ luật lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:
Phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.
Đồng thời, tại Khoản 1, Điều 25, Luật Công đoàn 2012 quy định về các biện pháp bảo đảm cho Cán bộ công đoàn như sau:
Trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đến hết nhiệm kỳ.
Theo đó, pháp luật quy định doanh nghiệp cần phải gia hạn hợp đồng lao động cho Chủ tịch Công đoàn cơ sở nếu họ đang trong nhiệm kỳ mà hợp đồng lao động hết hạn. Quy định trên nhằm đảm bảo cho hoạt động Công đoàn được ổn định, bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động. Trường hợp doanh nghiệp không gia hạn HĐLĐ cho Chủ tịch Công đoàn cơ sở đương nhiệm sẽ vi phạm quy định pháp luật và có thể bị xử phạt.
3. Xử phạt vi phạm đối với doanh nghiệp không gia hạn hợp đồng lao động đối với Chủ tịch công đoàn cơ sở
Theo Điểm c, Khoản 2, Điều 35 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo đảm thực hiện quyền của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
.. Không gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động…
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người sử dụng lao động gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.
Theo đó, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu không thực hiện gia hạn HĐLĐ đối với Chủ tịch Công đoàn cơ sở đương nhiệm. Ngoài ra, còn phải bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc phải gia hạn HĐLĐ cho Chủ tịch Công đoàn cơ sở.
Lưu ý: Căn cứ theo Khoản 1, Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về vấn đề doanh nghiệp có quyền không gia hạn hợp đồng đối với chủ tịch công đoàn cơ sở đương nhiệm không.
Nếu Quý khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.