Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu kinh doanh của nhà đầu tư ngày càng tăng kéo theo số lượng doanh nghiệp thành lập khá lớn, trung bình cả nước mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp thành lập mới. Thực tế hiện nay, do hạn chế kiến thức về thủ tục đăng ký doang nghiệp, nhiều nhà đầu tư có xu hướng uỷ quyền cho những tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực này thực hiện. Nhằm cải thiện môi trường đầu tư và phát huy quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, pháp luật nước ta hiện nay đã có nhiều cải cách, nổi bật là quy định về uỷ quyền đăng ký doanh nghiệp. Vậy theo quy định hiện hành, các đối tượng nào được nhận ủy quyền đăng ký doanh nghiệp? Trong bài viết này Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Doanh nghiệp 2020;
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
MỤC LỤC
- 1. Khái niệm thủ tục đăng ký doanh nghiệp
- 2. Đối tượng được nhận uỷ quyền đăng ký doanh nghiệp
- 3. Hồ sơ cần bổ sung khi uỷ quyền đăng ký doanh nghiệp
- 3.1. Trường hợp uỷ quyền cho cá nhân
- 3.2. Trường hợp uỷ quyền cho tổ chức và đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích
- 3.3. Ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích
- Luật sư A&An ∼ Our Work. Your Success!
1. Khái niệm thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Căn cứ Khoản 1, Điều 3, Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: “Đăng ký doanh nghiệp là việc người thành lập doanh nghiệp đăng ký thông tin về doanh nghiệp dự kiến thành lập, doanh nghiệp đăng ký những thay đổi trong thông tin về đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đăng ký doanh nghiệp bao gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và các nghĩa vụ đăng ký, thông báo khác theo quy định của Nghị định này.”
Thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật là quyền của cá nhân, tổ chức và được Nhà nước bảo hộ. Theo đó, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được thực hiện tại các cơ quan đăng ký kinh doanh sau theo quy định tại Điều 14, Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cụ thể:
– Ở cấp Tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh). Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh;
– Ở cấp Huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện
2. Đối tượng được nhận uỷ quyền đăng ký doanh nghiệp
Căn cứ Điều 12 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về uỷ quyền đăng ký doanh nghiệp như sau:
“Điều 12. Ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định sau đây:
1. Trường hợp ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền. Văn bản ủy quyền này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
2. Trường hợp ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu.
3. Trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, nhân viên bưu chính phải nộp bản sao phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phát hành có chữ ký xác nhận của nhân viên bưu chính và người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
4. Trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì việc ủy quyền thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Theo quy định trên, những đối tượng sau được nhận uỷ quyền để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, bao gồm:
– Cá nhân;
– Tổ chức;
– Đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích;
– Đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích.
Như vậy, ngoài 02 trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP là cá nhân và tổ chức, từ 04/01/2021, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm 02 trường hợp được ủy quyền đăng ký doanh nghiệp mới.
3. Hồ sơ cần bổ sung khi uỷ quyền đăng ký doanh nghiệp
Ngoài bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, căn cứ quy định tại Điều 12 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã nêu, hồ sơ, tài liệu mà người nhận uỷ quyền cần bổ sung khi thực hiện đăng ký doanh nghiệp gồm:
3.1. Trường hợp uỷ quyền cho cá nhân
+ Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp. Văn bản ủy quyền này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
+ Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền: Bản sao CCCD/CMND/Hộ chiếu.
3.2. Trường hợp uỷ quyền cho tổ chức và đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích
+ Bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp;
+ Giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục;
+ Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu: Bản sao CCCD/CMND/Hộ chiếu.
3.3. Ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích
Bản sao phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phát hành có chữ ký xác nhận của nhân viên bưu chính và người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về “Các Trường Hợp Được Ủy Quyền Đăng Ký Doanh Nghiệp”. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất !