DIỆN TÍCH TÁCH THỬA ĐẤT Ở TỐI THIỂU TẠI QUẢNG NGÃI TỪ 2022
Căn cứ pháp lý: Quyết định 85/2021/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Quảng Ngãi
- Diện tích tách thửa đất ở tối thiểu tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế
- Diện tích tách thửa đất ở tối thiểu tại Long An
1. Điều kiện chung
1.1. Thửa đất người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa đất, hợp thửa đất phải đảm bảo các điều kiện chung sau:
– Thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
– Thửa đất không có tranh chấp hoặc văn bản ngăn chặn giao dịch của cơ quan có thẩm quyền về đất đai đang được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết; thửa đất không có tài sản gắn liền với đất đang bị cơ quan có thẩm quyền kê biên để thực hiện quyết định, bản án có hiệu lực của Tòa án nhân dân.
– Thửa đất còn trong thời hạn sử dụng đất.
– Thửa đất chưa có thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền.
– Trường hợp thửa đất đang sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, đối với thửa đất có đất ở thì diện tích tối thiểu của loại đất ở trong thửa đất sau khi tách thửa phải đảm bảo quy định; đối với thửa đất không có đất ở thì diện tích tối thiểu của từng loại đất sau khi tách thửa phải có ít nhất 01 (một) loại đất đảm bảo diện tích quy định.
– Thửa đất thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt thì các thửa đất hình thành sau khi tách thửa đất, hợp thửa đất phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch đó. Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch thì việc tách thửa đất, hợp thửa đất được thực hiện theo quy hoạch đã được điều chỉnh.
– Thửa đất không thuộc khu vực bảo tồn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt danh mục phải bảo tồn theo quy định pháp luật.
1.2. Các thửa đất ở; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp được hình thành từ việc tách thửa phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu và phải đảm bảo điều kiện sau:
– Khu vực đô thị: Thửa đất được hình thành từ việc tách thửa phải đảm bảo điều kiện có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông tối thiểu là 03 m và chiều sâu thửa đất tối thiểu 04 m;
– Khu vực nông thôn: Thửa đất được hình thành từ việc tách thửa chỉ tiếp giáp với quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện thì cạnh tiếp giáp với đường tối thiểu là 04 m và chiều sâu thửa đất tối thiểu là 08 m; các trường hợp còn lại thì thửa đất phải đảm bảo điều kiện có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường tối thiểu là 03 m và chiều sâu thửa đất tối thiểu là 04 m.
– Không được tách thửa đối với thửa đất có nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất mà khi thực hiện tách thửa có nhà, công trình nằm trên hai thửa đất trở lên (trừ các công trình chăn nuôi gia súc, gia cầm, các công trình khác xây dựng tạm để phục vụ đời sống, sinh hoạt).
1.3. Trường hợp tách thửa đất ở có hình thành mới đường giao thông thì việc tách thửa đất được thực hiện như sau:
– Trường hợp đường giao thông đã có trong quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, người sử dụng đất chủ động đề nghị tự bỏ kinh phí đầu tư đường giao thông, tự nguyện tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước đối với phần diện tích hình thành mới đường giao thông thì được cấp phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng thống nhất bằng văn bản để triển khai thực hiện. Việc tách thửa chỉ được thực hiện sau khi người sử dụng đất xây dựng hoàn thành và đấu nối với đường giao thông hiện hữu, hoàn thành thủ tục đất đai theo quy định tại Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì người sử dụng đất được thực hiện tách thửa đất theo Quy định.
– Trường hợp đường giao thông chưa có trong quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch chi tiết xây dựng thì người sử dụng đất chỉ được thực hiện tách thửa đất thành không quá 03 thửa đất. Người sử dụng đất thể hiện đường giao thông trên sơ đồ vị trí dự kiến tách thửa và cam kết tự nguyện tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước đối với phần diện tích hình thành mới đường giao thông; Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ quy định về quy hoạch xây dựng hoặc quy chế quản lý phát triển giao thông, sự phù hợp với định hướng phát triển của địa phương (định hướng phát triển về hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư và mục đích tách thửa đất để ký duyệt sơ đồ vị trí dự kiến tách thửa kèm theo văn bản thống nhất nhưng phải đảm bảo sau khi tách thửa không hình thành quá 03 thửa đất mới. Việc tách thửa chỉ được thực hiện sau khi xây dựng hoàn thành đấu nối với đường giao thông hiện hữu, hoàn thành thủ tục đất đai theo quy định tại Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì người sử dụng đất được thực hiện tách thửa đất theo quy định.
2. Yêu cầu về Diện tích
2.1. Diện tích tác thửa đối với Đất ở tại Đô thị
Diện tích tối thiểu của các thửa đất hình thành sau khi tách thửa không được nhỏ hơn 50m2
2.2. Diện tích tách thửa đối với Đất ở Nông thôn
2.2.1. Các khu vực: Huyện Lý Sơn; các xã Bình Chánh, Bình Thạnh, Bình Đông, Bình Châu, Bình Hải, Bình Trị, Bình Thuận, huyện Bình Sơn; các xã Tịnh Kỳ, Nghĩa An, Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi; xã Đức Lại, huyện Mộ Đức; thửa đất tiếp giáp với Quốc lộ 1A; thửa đất tiếp giáp với Quốc lộ 24B đoạn thuộc địa phận xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi đến hết địa phận xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh; thửa đất tiếp giáp với đường Quốc lộ 24A (mới) đoạn từ Quốc lộ 1A đến giáp ranh xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ; thửa đất tiếp giáp với đường Quốc lộ 24A (cũ) đoạn từ Quốc lộ 1A (ngã 4 Thạch Trụ) đến ngã 3 Tây cống Hòa Chung thuộc huyện Mộ Đức; thửa đất tiếp giáp với Tỉnh lộ 623B thuộc địa bàn xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa: 50m2;
2.2.1. Các khu vực còn lại: 100m2.