Thực trạng hiện nay một số người sử dụng lao động đang có xu hướng hoạt động trái với quy định pháp luật về việc lợi dụng sức lao động của người lao động đang trở nên phổ biến. Đặc biệt, đối với các trường hợp như vậy, những người lao động lại chỉ nhận về những đồng lương ít ỏi, thậm chí là những tổn thất về sức khỏe lẫn tinh thần. Vậy theo quy định hiện hành, đối với trường hợp người sử dụng lao động ép người lao động làm việc quá thời gian quy định thì sẽ bị xử lý như thế nào? Trong bài viết này Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Lao động 2019;
– Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;
– Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
MỤC LỤC
1. Quy định về thời gian làm việc của người lao động
Người lao động là cá nhân trực tiếp tham gia vào quá trình lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Người lao động có thể là người lao động phổ thông, lao động chân tay hoặc lao động trí óc. Căn cứ Điều 105, Bộ luật lao động 2019 quy định rõ về thời gian làm việc bình thường của người lao động như sau:
“Điều 105. Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.”
Theo đó, thời gian làm việc bình thường theo ngày của người lao động không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần. Ngoài ra, người sử dụng lao động có thể yêu cầu làm thêm giờ trong trường hợp có được sự đồng ý của người lao động nhưng tổng số thời gian làm thêm giờ không được quá 200 giờ trong 01 năm. Trong một số trường hợp đặc biệt thì không quá 300 giờ trong 01 năm.
2. Chế tài đối với trường hợp ép người lao động làm việc quá thời gian quy định
2.1. Xử phạt hành chính
Trường hợp người sử dụng lao động ép người lao động làm việc quá thời gian quy định có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 3, Điều 18, Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể như sau:
“Điều 18. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;
b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.”
Theo quy định trên, trường hợp người sử dụng lao động bắt ép người lao động làm việc quá thời gian quy định có thể bị xử phạt hành chính đến 25.000.000 đồng.
2.2. Trách nhiệm hình sự
Căn cứ Khoản 7, Điều 3, Bộ luật Lao động 2019 quy định: “7. Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để ép buộc người lao động phải làm việc trái ý muốn của họ.”
Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động “cố tình ép buộc” người lao động làm việc quá thời gian quy định bằng bất kỳ thủ đoạn nào đều có thể bị xem là hành vi “Cưỡng bức lao động”. Theo Điều 297 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 99 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội cưỡng bức lao động, cụ thể:
“Điều 297. Tội cưỡng bức lao động
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.
Như vậy, hành vi cưỡng bức lao động làm việc thêm giờ có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 12 năm tùy vào tính chất, mức độ của hành vi. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về “Xử phạt hình sự đối với trường hợp ép người lao động làm việc quá quy định”. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.
Luật sư A&An ∼ Our Work. Your Success!