Hiện nay, công ty cổ phần là một trong những loại hình công ty được đa phần chủ thể kinh doanh lựa chọn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Với những ưu điểm vượt bậc như không giới hạn số lượng cổ đông, cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp, được quyền tự do chuyển nhượng cổ phần trừ một số trường hợp nhất định và được quyền thay đổi một số nội dung trong quá trình hoạt động của mình, v.v. Tuy nhiên, thực tế tham gia góp vốn và vận hành doanh nghiệp này, nhiều người vẫn băn khoăn liệu rằng mình có thể rút vốn đã góp không? Công ty cổ phần có được giảm vốn điều lệ không? Trong bài viết này, Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Doanh nghiệp 2020;
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đăng ký doanh nghiệp.
MỤC LỤC
1. Trước tiên, vốn điều lệ của công ty cổ phần là gì?
Khoản 1 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
“Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.”
Như vậy, vốn điều lệ của công ty cổ phần ban đầu được xác định là thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần đã được các cổ đông đăng ký mua. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động kinh doanh dựa theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc công ty mua lại cổ phần đã bán trong trường hợp nhất định hay vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định thì công ty có được giảm vốn điều lệ không? Điều này sẽ được giải đáp cụ thể ở mục 2 bài viết này.
2. Công ty cổ phần có được giảm vốn điều lệ không?
Căn cứ khoản 5 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
Công ty có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
– Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
– Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật này;
– Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 của Luật này.
Như vậy, công ty cổ phần được quyền giảm vốn điều lệ khi thỏa mãn một trong ba căn cứ nêu trên.
+ Trường hợp thứ nhất, tùy theo nhu cầu và định hướng hoạt động của doanh nghiệp mà Đại hội đồng cổ đông có thể quyết định hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty
Tuy nhiên, công ty cổ phần chỉ có thể giảm vốn điều lệ bằng cách này khi và chỉ khi thỏa mãn đồng thời 2 yếu tố:
– Công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 2 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp.
– Bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi hoàn trả cho cổ đông.
+ Trường hợp thứ hai, công ty mua lại cổ phần đã bán tại Điều 132 và Điều 133 của Luật này
Việc mua lại cổ phần đã bán được thực hiện theo yêu cầu của cổ đông hoặc theo quyết định của công ty, cụ thể:
Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
1. Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.
2. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.
Theo đó, trong trường hợp cổ đông biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa cụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty thì được quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.
Điều 133 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán theo quy định sau đây:
1. Hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã bán trong thời hạn 12 tháng. Trường hợp khác, việc mua lại cổ phần do Đại hội đồng cổ đông quyết định;
2. Hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần. Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Đối với cổ phần loại khác, nếu Điều lệ công ty không quy định hoặc công ty và cổ đông có liên quan không có thỏa thuận khác thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường;
3. Công ty có thể mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty theo trình tự, thủ tục sau đây:
a) Quyết định mua lại cổ phần của công ty phải được thông báo bằng phương thức để bảo đảm đến được tất cả cổ đông trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định đó được thông qua. Thông báo phải gồm tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty, tổng số cổ phần và loại cổ phần được mua lại, giá mua lại hoặc nguyên tắc định giá mua lại, thủ tục và thời hạn thanh toán, thủ tục và thời hạn để cổ đông bán cổ phần của họ cho công ty;
b) Cổ đông đồng ý bán lại cổ phần phải gửi văn bản đồng ý bán cổ phần của mình bằng phương thức để bảo đảm đến được công ty trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo. Văn bản đồng ý bán cổ phần phải có họ, tên, địa chỉ liên lạc, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số cổ phần sở hữu và số cổ phần đồng ý bán; phương thức thanh toán; chữ ký của cổ đông hoặc người đại diện theo pháp luật của cổ đông. Công ty chỉ mua lại cổ phần trong thời hạn nêu trên.
+ Trường hợp thứ ba, vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định
Khoản 1 Điều 113, Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định:
“Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.”
Như vậy, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các cổ đông có trách nhiệm thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua. Trong trường hợp, cổ đông không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ số cổ phần đã đăng ký mua thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thanh toán công ty phải tiến hành đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán được bán hết trong thời hạn này, đồng thời đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập công ty (điểm d, khoản 3 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020).
3. Hồ sơ đăng ký giảm vốn điều lệ công ty cổ phần
Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký doanh nghiệp quy định về hồ sơ giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần, bao gồm:
– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
– Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị thêm vào hồ sơ:
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản gốc);
– Danh sách cổ đông công ty cổ phần;
– Báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại kỳ gần nhất với thời điểm quyết định giảm vốn điều lệ;
– Cam kết đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn điều lệ.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về quy định của pháp luật khi công ty cổ phần giảm vốn điều lệ và các vấn đề liên quan. Nếu Quý khách hàng có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.