CÓ LY HÔN ĐƯỢC KHI VỢ, CHỒNG BỎ ĐI KHÔNG BIẾT ĐỊA CHỈ KHÔNG?
10:35:25 PM
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo đó, trong một vụ án ly hôn, bản chất là một bên Vợ/Chồng khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết việc yêu cầu chấm dứt quan hệ vợ chồng với bên Chồng/Vợ. Vậy, người có yêu cầu giải quyết ly hôn là Nguyên đơn, người còn lại trong quan hệ vợ chồng là Bị đơn hoặc gọi các khác là Người bị kiện.
Nhiều trường hợp các cặp vợ chồng thực tế không còn chung sống với nhau, ly thân nhiều năm, một người đã đi sinh sống nơi khác, giấu giếm địa chỉ, v.v. Vậy lúc này, người lại có thể yêu cầu giải quyết ly hôn được không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Khoản 2, Điều 5, Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP của Hội Đồng Thẩm Phán Tòa án nhân dân Tối cao ngày 05/05/2017, cụ thể:
“Điều 5. Về địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
1. Địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 được xác định như sau:
a) Nếu người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống thì nơi cư trú của họ là địa chỉ chỗ ở hợp pháp mà người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thường trú hoặc tạm trú hoặc đang sinh sống theo quy định của Luật cư trú;
b) Nếu người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam thì nơi cư trú của họ được xác định theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
c) Nếu người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người nước ngoài, người Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài thì nơi cư trú của họ được xác định căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do người khởi kiện cung cấp hoặc theo tài liệu, chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền cấp, xác nhận;
d) Nếu người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức có quốc tịch Việt Nam thì địa chỉ của cơ quan, tổ chức được xác định là nơi cơ quan, tổ chức đó có trụ sở chính hoặc chi nhánh theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật;
Trường hợp cơ quan, tổ chức có quốc tịch nước ngoài thì địa chỉ của cơ quan, tổ chức được xác định căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do người khởi kiện cung cấp hoặc theo tài liệu, chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền cấp, xác nhận.
2. Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.”
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án quy định như sau:
“Điều 6. Xử lý việc ghi địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
2. Trường hợp sau khi thụ lý vụ án, Tòa án không tổng đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không còn cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì Tòa án giải quyết như sau:
a) Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở”. Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 Bộ luật dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tổng đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;”
Căn cứ khoản 2, Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;
b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;
d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;
đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.”
Vậy, trường hợp một bên vợ hoặc chồng bỏ đi khỏi nơi cư trú mà không thông báo, bên còn vẫn có thể khởi kiện vụ án ly hôn và cung cấp đúng và đầy đủ địa chỉ của bên kia theo quy định ở trên cho Tòa án thì được xem là Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ hợp pháp của Bị đơn, Bị đơn khi đó được xem là cố tình giấu địa chỉ. Trong trường hợp này, Tòa án vẫn giải quyết vắng mặt Bị đơn theo thủ tục chung.