Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trong một số trường hợp nhà đầu tư có dự án đầu tư phải thực hiện ký quỹ nhằm bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh một số nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình về hoạt động ký quỹ; vẫn còn tình trạng nhiều nhà đầu tư chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án dẫn đến gây khó khăn cho cơ quan đăng ký đầu tư trong việc kịp thời theo dõi, kiểm soát rủi ro trong quá trình thực hiện dự án của nhà đầu tư.
Vậy chủ đầu tư không ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án đầu tư thì sẽ gánh chịu những hệ quả gì?
Trong bài viết này, Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo!
MỤC LỤC
Cơ sở pháp lý
1. Trước kết, ký quỹ là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Ký quỹ như sau:
“Điều 330. Ký quỹ
Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.”
Theo đó, Ký quỹ có thể hiểu là việc chủ đầu tư gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá cho một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.
Việc ký quỹ là một biện pháp để đảm bảo quyền lợi của bên có quyền và giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra, do đó ký quỹ là một hoạt động rất phổ biến trong các dự án đầu tư kinh doanh.
2. Các trường hợp chủ đầu tư dự án phải thực hiện ký quỹ theo quy định
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 43 Luật Đầu tư 2020 quy định về Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư như sau:
“Điều 43. Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
1. Nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây:
a) Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
b) Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
c) Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
d) Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.”
Theo đó, chủ đầu tư phải ký quỹ hoặc có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư nếu không thuộc các trường hợp kể trên.
Ngoài ra, căn cứ theo Khoản 4, Điều 77 Luật Đầu tư 2020 về có quy định chuyển tiếp như sau:
“4. Dự án đầu tư đã thực hiện hoặc được chấp thuận, cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 mà thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật này thì không phải ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ.
Trường hợp nhà đầu tư điều chỉnh mục tiêu, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất sau khi Luật này có hiệu lực thì phải thực hiện ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của Luật này.”
Theo đó, chủ đầu tư có dự án đầu tư đã thực hiện hoặc được chấp thuận, cho phép thực hiện trước ngày 01/07/2015 mà có nhu cầu điều chỉnh mục tiêu, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất sau khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực (ngày 01/01/2021) thì chủ đầu tư phải thực hiện ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ theo quy định.
3. Hậu quả pháp lý của việc chủ đầu tư dự án không thực hiện ký quỹ
Căn cứ theo Điểm đ, Khoản 2, Điều 48 Luật Đầu tư 2020 quy định về Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư như sau:
“Điều 48. Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư
2. Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:
đ) Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;”
Như vậy, trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ với tổ chức tín dụng theo quy định đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư thì cơ quan đăng ký đầu tư sẽ chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hoạt động của dự án đầu tư đó.
Tham khảo thêm:
- Những dự án không cần cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- Doanh nghiệp có được góp vốn vào doanh nghiệp khác bằng tiền mặt?
- Các điều kiện mua, bán, chuyển nhượng hợp đồng Nhà ở Thương mại.
4. Nhà đầu tư không ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư bị xử phạt thế nào?
Căn cứ theo Điểm a, Khoản 1, Điều 19 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về Vi phạm về thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam như sau:
“Điều 19. Vi phạm về thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam
1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện ký quỹ hoặc không có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp pháp luật quy định khác;”
Theo đó, trường hợp chủ đầu tư không ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
Lưu ý:
Căn cứ theo khoản 2, Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
“Điều 4. Mức phạt tiền
2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định nàylà mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.”
Theo đó, có sự khác nhau trong mức phạt tiền đối với chủ đầu tư là tổ chức hay cá nhân trong trường hợp chủ đầu tư không ký quỹ đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, cụ thể:
– Chủ đầu tư là tổ chức thì mức phạt tiền là từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
– Chủ đầu tư là cá nhân thì mức phạt tiền là từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An vấn đề Xử phạt đối với chủ đầu tư dự án không thực hiện ký quỹ theo quy định.
Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.