Trước đây, xuyên suốt theo quy định của các Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959, 1987 và 2000, tài sản của vợ chồng nguyên tắc chung là mỗi người một nửa (việc phân chia, xác định cụ thể có tính đến một số yếu tố khác tùy từng trường hợp). Đặc trưng có thể gọi là chế độ tài sản vợ chồng do luật định.
Tuy nhiên, từ 01/01/2015, theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tài sản của vợ chồng còn có thể được xác lập theo thỏa thuận của Các Bên (Matrimonial Property Regime).
Trong bài viết này, Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo!
MỤC LỤC
Căn cứ pháp lý
– Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
1. Vậy, chế độ tài sản giữa vợ chồng là gì
Chế độ tài sản giữa vợ chồng là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh về (sở hữu) tài sản của vợ chồng, bao gồm các quy định về căn cứ xác lập tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng, các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản giữa vợ và chồng theo luật định.
Với chế độ tài sản theo luật định có một số ưu điểm xuất phát từ bản thân chính nó, đó là chế độ tài sản pháp định duy nhất là cơ sở để giải quyết tất cả các tranh chấp liên quan đến quan hệ tài sản giữa vợ chồng, đơn giản và dễ áp dụng, thuận lợi cho công tác giải quyết các tranh chấp về quan hệ tài sản giữa vợ chồng.
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm đó thì nó cũng có hạn chế như: Không bảo đảm quyền tự định đoạt chủ sở hữu tài sản được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự; Việc chỉ áp dụng một chế độ hôn sản pháp định cho tất cả các trường hợp không đáp ứng được nhu cầu của một số cặp vợ chồng.
Thực tế, có những trường hợp mà hai người kết hôn muốn tất cả tài sản mà mỗi bên có trước khi kết hôn cũng như trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung; ngược lại, có những trường hợp mà người kết hôn có nhiều tài sản riêng có nguồn gốc từ gia đình mình, có con riêng hoặc vì lý do kinh doanh riêng, nên muốn thực hiện một chế độ tách riêng tài sản và thỏa thuận với nhau về việc đóng góp cho đời sống chung của gia đình, v.v.
Từ những vấn đề còn bất cập, hạn chế như đã nêu, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã bổ sung quy định về việc tài sản của vợ chồng còn có thể được xác lập theo thỏa thuận của các bên, theo đó:
Khoản 1, Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:
“Điều 28. Áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng
1. Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật này.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật này.”
2. Cách xác lập thỏa thuận đúng luật
Vậy, khi xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản chung của vợ chồng, cần lưu ý các vấn đề gì để đảm bảo thỏa thuận có hiệu lực, hợp pháp? Dưới đây là các nội dung lưu ý bạn có thể tham khảo như sau:
2.1. Thời điểm xác lập
Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Lưu ý: Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
2.2. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
d) Nội dung khác có liên quan.
2.3. Tránh các trường hợp thỏa thuận sẽ bị vô hiệu
a) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định;
b) Thỏa thuận vi phạm một trong các quy định tại các Điều của Luật Hôn nhân và Gia đình, cụ thể:
– Điều 29. Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng.
– Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
– Điều 31. Giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng.
– Điều 32. Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng của Luật Hôn nhân và Gia đình;
c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về chế độ tài sản của vợ chồng là gì, cách xác lập thỏa thuận đúng luật và các vấn đề liên quan.
Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.