Gia đình là những người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và gia đình được coi là những mảnh ghép của xã hội. Để xây dựng một gia đình ổn định, bền vững thì đời sống vật chất, tài sản, tiền bạc cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì thế chế định về tài sản luôn được Luật hôn nhân gia đình coi là vấn đề hàng đầu, trong đó có chế định về thỏa thuận đưa tài sản chung của vợ chồng vào sản xuất kinh doanh hiện nay được quy định cụ thể trong Luật Hôn nhân và gia đình. Bài viết dưới đây của Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
MỤC LỤC
1. Tài sản chung của vợ chồng
Theo Điều 105 Bộ Luật Dân sự 2015, quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.”
Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Trong đó, bất động sản (Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015) bao gồm:
– Đất đai;
– Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
– Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
– Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
Theo Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ/chồng như sau:
Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Như vậy căn cứ xác định tài sản chung của vợ chồng là căn cứ vào thời kỳ hôn nhân (tài sản tạo ra trong thời kì hôn nhân), nguồn gốc tài sản và sự thỏa thuận vợ chồng.
Tài sản chung của vợ chồng dùng để đáp ứng các nhu cầu chung của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ tài sản chung của vợ chồng. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất, sự đóng góp công sức của vợ chồng vào việc xây dựng khối tài sản chung có thể không ngang nhau nhưng quyền sở hữu của họ đối với tài sản chung vẫn ngang nhau.
2. Quy định về đưa tài sản chung của vợ chồng vào kinh doanh
Căn cứ Điều 25 và Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cụ thể:
– Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh
Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.
Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này.
– Tài sản chung được đưa vào kinh doanh Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.
Nếu như hai vợ chồng kinh doanh chung thì khối tài sản chung mặc nhiên có thể đưa vào sản xuất kinh doanh, hoặc hai vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó.
Thỏa thuận này phải lập thành văn bản thể hiện nội dung đưa tài sản chung vào việc kinh doanh của vợ chồng.
3. Phân chia tài sản vợ chồng khi đưa vào kinh doanh khi ly hôn
Khi ly hôn thì việc chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh được thực hiện theo quy định tại Điều 64 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau: Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
Như vậy, trường hợp vợ hoặc chồng đưa tài sản chung của vợ chồng vào kinh doanh mà các bên chấm dứt quan hệ hôn nhân thì bên còn lại có quyền yêu cầu thanh toán phần giá trị tài sản mà họ được hưởng theo nội dung thỏa thuận.
Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản.
Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
4. Tài sản vợ chồng trong kinh doanh khi một bên chết hoặc bị tòa án tuyên bố đã chết
Quy định về giải quyết tài sản của vợ chồng trong kinh doanh khi một bên chết được quy định cụ thể tại khoản 1, 2, 3 Điều 66, Luật hôn nhân và gia đình 2014, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác, cụ thể:
– Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
– Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
– Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
Nhìn chung, khối tài sản chung trong kinh doanh vẫn được chia như tài sản khác khi một bên chết, bên còn lại có quyền quản lý tài sản chung trừ khi trái với di nguyện của người kia. Khi có yêu cầu về chia di sản, tài sản chung được chia đôi trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản, rồi chia theo quy đinh pháp luật thừa kế.
Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì có quyền yêu cần hạn chế phân chia di sản. Về vấn đề này, Điều 661 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hạn chế phân chia di sản như sau:
Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm”. Việc pháp luật quy định về quyền quản lý di sản cũng như quyền yêu cầu hạn chế phân chia di sản khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, một mặt nhằm khẳng định quyền bình đẳng giữa vợ và chồng trong quan hệ tài sản, mặt khác là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người còn lại.
Trên đây là bài viết Chế định về thỏa thuận đưa tài sản chung của vợ chồng vào sản xuất kinh doanh. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ với công ty A&An để được giải đáp sớm nhất.
Luật sư A&An – Our Work. Your Success.