Bia, rượu, thức uống có cồn là một trong những nguyên nhân chính gây ra thực trạng mất an toàn giao thông hiện nay.
Khi đã uống rượu bia, tài xế không chú ý quan sát, không làm chủ được tốc độ dẫn đến tai nạn đáng tiếc xảy ra. Thực hiện Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, thời gian gần đây, lực lượng cơ quan chức năng đã tăng cường quyết liệt kiểm tra, xử lý nồng độ cồn của người tham gia giao thông.
Thực tế tại các chốt kiểm tra nồng độ cồn, ngoài công an giao thông thì lực lượng cảnh sát cơ động cũng tham gia kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Điều này gây nên một số thắc mắc của người dân khi cho rằng cảnh sát cơ động không có quyền kiểm tra nồng độ cồn.
Vậy theo quy định hiện hành, Cảnh sát cơ động có thẩm quyền xử phạt nồng độ cồn với những người vi phạm hay không?
Trong bài viết này, Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo.
MỤC LỤC
Căn cứ pháp lý
– Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
– Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
1. Quy định về lực lượng Cảnh sát cơ động
Theo quy định tại Điều 3 Luật Cảnh sát cơ động 2022:
“Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.”
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động bao gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc Cảnh sát cơ động. Cảnh sát cơ động không chỉ hoạt động độc lập mà họ còn là một phần của tổng thể lực lượng vũ trang, họ đóng góp việc xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc gia.
Họ là những người phục vụ và bảo vệ nhân dân khỏi những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, đồng thời, duy trì trật tự an toàn xã hội và an toàn cộng đồng.
2. Thẩm quyền của Cảnh sát cơ động trong việc xử phạt nồng độ cồn
Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 74, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP về phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Cảnh sát cơ động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông tại các Điều 5, 6, 7, 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể:
a. Hành vi Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Xử phạt 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô; 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe moto, xe gắn máy; 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe máy kéo; 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ.
b. Hành vi Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: Xử phạt 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô; 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe moto, xe gắn máy; 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe máy kéo; 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ.
c. Hành vi Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Xử phạt 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô; 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe moto, xe gắn máy; 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe máy kéo; 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ.
d. Hành vi Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ: Xử phạt 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô; 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe moto, xe gắn máy; 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe máy kéo; 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ.
Vì vậy, theo những quy định đã đề cập trên thì Cảnh sát cơ động hoàn toàn có thẩm quyền xử phạt nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông tùy thuộc vào mức độ và phương tiện mà người vi phạm sử dụng.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về vấn đề thẩm quyền xử phạt nồng độ cồn của Cảnh sát cơ động.
Nếu Quý khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.