Nhằm đấu tranh, phòng chống tội phạm, đồng thời giúp cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát nhanh chóng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc đấu tranh tội phạm. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định nhiều biện pháp ngăn chặn như: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Trong đó, biện pháp tạm giữ đóng vai trò vô đặc biệt và quan trọng vì thời hạn tạm giữ là khoản thời gian đầu tiên Cơ quan điều tra bắt đầu tiến hành xác minh và làm rõ tình tiết phạm tội, xác định người phạm tội để tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Vậy pháp luật quy định như thế nào về căn cứ tạm giữ hình sự? Thời hạn tạm giữu hình sự là bao lâu? Trong bài viết này, Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về vấn đề nêu trên. Xin mời các bạn tham khảo!
Cơ sở pháp lý:
– Hiến pháp năm 2013;
– Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
MỤC LỤC
1. Tạm giữ hình sự được hiểu như thế nào?
Theo Hiến Pháp năm 2013 thì không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và tạm giam người phải đúng với quy định của pháp luật [1].
Theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về người bị buộc tội gồm: Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Căn cứ theo Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về tạm giữ như sau: “Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã”.
Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về người bị tạm giữ như sau: “Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ”.
Từ căn cứ trên có thể thấy rằng, người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt là người bị nghi phạm tội, vì vậy lời khai ban đầu của họ có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định lý do họ bị bắt giữ, bị bắt và góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Bên cạnh đó, có thể thấy rằng người bị tạm giữ cũng có thể là người chưa bị khởi tố về hình sự như trường hợp bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc người phạm tội tự thú.
Người bị tạm giữ cũng có thể là người đã bị khởi tố về hình sự như bị can, bị cáo, người bị kết án chưa chấp hành án, người đang chấp hành án, nếu bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc đầu thú và đã có quyết định tạm giữ đối với họ.
2. Căn cứ tạm giữ hình sự là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì căn cứ để tạm giữ hình sự được thực hiện dựa trên các căn cứ sau:
– Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;
– Người bị giữ trong trường hợp phạm tội quả tang;
– Người phạm tội tự thú, đầu thú;
– Người bị bắt theo quyết định truy nã.
3. Thời hạn tạm giữ là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn tạm giữ hình sự như sau:
– Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
– Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
– Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
– Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.
4. Quyền của người bị tạm giữ
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì người bị tạm giữ có các quyền sau:
– Được biết lý do mình bị tạm giữ; nhận quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
– Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
Người bị tạm giữ có các quyền và nghĩa vụ theo luật định và họ phải được biết các quyền và nghĩa vụ này để có thể thực hiện. Các cơ quan có thẩm quyền khi tạm giữ người phải thông báo và giải thích các quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữu cho họ biết.
– Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Đây được xem là một trong những quyền hạn quan trọng của người bị buộc tội, cần được quy định rõ hơn. Quy định này phù hợp với với Công ước của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên.
– Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
Khi bị tạm giữ, người bị tạm giữu có quyền đưa ra những lý lẽ chứng minh mình không phạm tội, không liên quan đến sự việc là lý do bắt giữ họ; có quyền nhờ người khác bào chữa cho mình. Quy định này nhằm bảo đảm hơn nữa quyền của người bị tạm giữ trong Tố tụng hình sự.
– Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
Đây là quyền của người bị tạm giữ chứ không phải nghĩa vụ của họ. Người bị tạm giữ có quyền đưa ra các tài liệu, chứng cứ chứng minh họ không liên quan đến vụ việc mà vì nó mà họ bị bắt giữ.
– Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An vấn đề: Có được thỏa thuận đền bù khi Nhà nước thu hồi đất không và các vấn đề pháp lý liên quan. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.
Luật sư A&An ∼ Our Work. Your Success!
[1] Khoản 2 Điều 20 Hiến Pháp năm 2013.