Câu hỏi Bạn đọc:
Tôi đang làm hồ sơ để đi du học, tôi biết ngoại ngữ nên có thể tự mình dịch các giấy tờ từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và yêu cầu Phòng Tư pháp chứng thực chữ ký của mình trên bản dịch đó không?
Luật sư A&An trả lời:
MỤC LỤC
1. Cá nhân tự dịch giấy tờ của mình để yêu cầu chứng thực không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về thủ tục chứng thực chữ ký người dịch, cụ thể như sau:
Thủ tục chứng thực chữ ký người dịch
“1. Người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp yêu cầu chứng thực chữ ký phải xuất trình bản dịch và giấy tờ, văn bản cần dịch.
Khi thực hiện chứng thực, người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trên bản dịch với chữ ký mẫu trước khi thực hiện chứng thực; trường hợp nghi ngờ chữ ký trên bản dịch so với chữ ký mẫu thì yêu cầu người dịch ký trước mặt.
2. Đối với người không phải là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp mà tự dịch giấy tờ, văn bản phục vụ mục đích cá nhân và có yêu cầu chứng thực chữ ký trên bản dịch thì phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
b) Bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều 27 của Nghị định này; trừ trường hợp dịch những ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học nhưng thông thạo ngôn ngữ cần dịch;
c) Bản dịch đính kèm giấy tờ, văn bản cần dịch.
Người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 24 của Nghị định này.
3. Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, tùy theo từng trường hợp, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 Điều này và giấy tờ, văn bản được dịch không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 32 của Nghị định này thì thực hiện chứng thực như sau:
a) Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký người dịch theo mẫu quy định;
b) Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.
Đối với bản dịch giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.
4. Trường hợp người dịch là viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự đồng thời là người thực hiện chứng thực tại các Cơ quan đại diện thì viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự phải cam đoan về việc đã dịch chính xác nội dung giấy tờ, văn bản; ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của Cơ quan đại diện.”
Vậy căn cứ các quy định trên, trường hợp cá nhân không phải là cộng tác viên dịch thuật thì cần phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ theo quy định thì sẽ được phép tự dịch giấy tờ cho mục đích cá nhân. Trường hợp dịch giấy tờ, văn bản cho người khác (kể cả dịch người thân thích trong gia đình, bạn bè, v.v) hoặc dịch có thù lao theo thỏa thuận với cá nhân, tổ chức khác thì phải do người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp thực hiện.
Bên cạnh đó, Điều 17 Thông tư 01/2020/TT-BTP cũng quy định về việc chứng thực chữ ký người dịch không phải cộng tác viên tư pháp, như sau:
– Người dịch ngôn ngữ không phổ biến và cũng không có bằng cử nhân ngoại ngữ, tốt nghiệp đại học theo quy định về tiêu chuẩn đối với người dịch thì khi yêu cầu chứng thực chữ ký, phải nộp bản cam kết về việc thông thạo loại ngôn ngữ đó và chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch.
– Phòng Tư pháp chỉ chứng thực chữ ký người dịch không phải là cộng tác viên của Phòng Tư pháp khi người đó tự dịch giấy tờ, văn bản của mình.
2. Tiêu chuẩn để trở thành người dịch là gì?
Theo quy định tại Điều 16 Thông tư 01/2020/TT-BTP về tiêu chuẩn để trở thành người dịch, cụ thể như sau:
– Người dịch phải có trình độ cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng đại học trở lên đối với chuyên ngành khác được học bằng thứ tiếng nước ngoài cần dịch.
– Trường hợp có bằng đại học trở lên đối với chuyên ngành khác được học bằng thứ tiếng nước ngoài cần dịch thì người dịch cần xuất trình thêm bảng điểm hoặc giấy tờ để chứng minh ngôn ngữ học của mình.
– Ngôn ngữ phổ biến được hiểu là ngôn ngữ được thể hiện trên nhiều giấy tờ, văn bản được sử dụng tại Việt Nam và nhiều người Việt Nam có thể dịch ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại.
3. Các trường hợp, giấy tờ nào không được dịch để chứng thực?
Theo quy định tại Điều 32 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, những trường sau đây sẽ không được dịch để chứng thực chữ ký người dịch gồm:
– Giấy tờ, văn bản đã bị tẩy xóa, sửa chữa; thêm, bớt nội dung không hợp lệ.
– Giấy tờ, văn bản bị hư hỏng, cũ nát không xác định được nội dung.
– Giấy tờ, văn bản đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được dịch.
– Giấy tờ, văn bản có nội dung quy định tại khoản 4 Điều 22 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
– Giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
Luật sư A&An – Our Work. Your Success.