Biện pháp ngăn chặn là một trong những biện pháp hỗ trợ rất nhiều cho cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Vậy những biện pháp ngăn chặn này được quy định như thế nào? Các biện pháp ngăn chặn này có thật sự hợp lý không? Hãy cùng Luật sư A&An tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, sau đây là bài viết chi tiết.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật tố tụng hình sự 2015;
– Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
MỤC LỤC
1. Biện pháp ngăn chặn là gì?
Biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị truy nã hoặc đối với những người chưa bị khởi tố (trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang) nhằm ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Các biện pháp ngăn chặn được quy định trong bộ luật tố tụng hình sự gồm có: Bắt người, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm.
2. Mục đích của biện pháp ngăn chặn
Việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự nhằm các mục đích sau đây:
– Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội;
– Bảo đảm thi hành án.
3. Ý nghĩa của biện pháp ngăn chặn
Quy định và áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng chống tội phạm, cụ thể:
– Biện pháp ngăn chặn thể hiện sự kiên quyết của nhà nước trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Tội phạm là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại cho những quan hệ xã hội quan trọng được luật hình sự bảo vệ. Do đó nhà nước ta coi trọng việc phòng, chống tội phạm, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh nhằm loại trừ các hiện tượng phạm tội ra khỏi đời sống xã hội là việc vô cùng quan trọng, phải được tiến hành một cách kiên quyết triệt để và không khoan nhượng.
– Biện pháp ngăn chặn bảo đảm cho các hoạt động của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng một cách thuận lợi. Góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thường thì người phạm tội họ ý thức rất rõ về hậu quả pháp lí mà mình phải chịu do việc thực hiện tội phạm nên họ sẽ tìm đủ mọi cách để có thể vừa nhanh chóng đạt được mục đích phạm tội vừa có thể che giấu, trốn tránh sự pháp hiện và trừng phạt của pháp luật. Do đó, việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn nhằm ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả đối với các hành vi phạm tội hoặc hành vi trốn tránh gây khó khăn cho việc xử lý người phạm tội của cơ quan có thẩm quyền.
– Biện pháp ngăn chặn chỉ được áp dụng đối với đối tượng nhất định trong những trường hợp nhất định khi có căn cứ pháp luật quy định nên đã bảo đảm sự dân chủ, tôn trọng quyền con người, quyền công dân được hiến pháp quy định như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do cư trú và tự do đi lại…;
4. Các biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật tố tụng hình sự
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, các biện pháp ngăn chặn bao gồm: Bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Nội dung cụ thể của từng biện pháp ngăn chặn này được quy định như sau. Cụ thể:
4.1. Biện pháp bắt
Biện pháp bắt gồm các trường hợp: bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Việc bắt người phải tiến hành đúng thẩm quyền theo luật định, trừ trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Phải có biên bản về việc bắt người và phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết.
Bắt giữ là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện, người thực hiện tội phạm đang bị đuổi bắt hoặc người đang bị truy nã để ngăn chặn tội phạm, đảm bảo cho hoạt động phát hiện, xử lý tội phạm hoặc đảm bảo thi hành án. Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt giữ các đối tượng nêu trên và dẫn giản đến cơ quan công an. Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Trong khi bắt giữ có quyền tước vũ khí của người bị bắt.
Sau khi nhận người bị bắt, cơ quan điều tra phải thực hiện lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Đối với người bị truy nã thì sau khi lấy lời khai, cơ quan điều tra cần phải thông báo ngay cho cơ quan đã ra lệnh truy nã và giao ngay người đó cho trại tạm giam nơi gần nhất để giam giữ tạm thời trước khi cơ quan ra lệnh truy nã đến nhận.
4.2. Biện pháp tạm giữ
Biện pháp tạm giữ được áp dụng trong trường hợp: người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Tổng thời hạn tạm giữ (bao gồm thời hạn tạm giữ thông thường và thời hạn gia hạn tạm giữ) là 9 ngày. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam, một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì người bị tạm giữ phải được trả tự do ngay.
Biện pháp ngăn chặn tạm giữ được áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội tang để cách ly họ với xã hội trong một thời gian cần thiết nhằm ngăn chặn người đó tiếp tục phạm tội, cản trở điều tra và xác định sự liên quan của người này đối với tội phạm.
4.3. Biện pháp tạm giam
Các trường hợp áp dụng biện pháp tạm giam bao gồm: bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự 2015 quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Lưu ý rằng: Chế độ tạm giữ, tạm giam khác với chế độ đối với người đang chấp hành hình phạt tù.
Tạm giam là biện pháp cách ly bị can, bị cáo với xã hội trong thời gian nhất định nhằm ngăn chặn hành vi trốn tránh pháp luật, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội của bị can, bị cáo, bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử được thuận lợi.
Đây là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do thân thể của công dân. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang trong thời kỳ nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc là người già yếu, người đang bệnh nặng, có nơi cư trú rõ ràng thì không bị tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt như phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và có căn cứ cho rằng nếu không tạm giam thì người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội thì mới tạm giam họ.
Việc tạm giam phải có lệnh của người có thẩm quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Lệnh tạm giam của Trưởng công an, Phó trưởng công an cấp huyện, Thủ trưởng, Phó Thủ tướng cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp trong quân đội nhân dân phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê duyệt trước khi thi hành.
4.4. Biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú
Biện pháp này chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng. Chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú có trách nhiệm quản lý, theo dõi họ. Bị can, bị cáo vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án áp dụng để buộc bị can, bị cáo không được đi khỏi nơi cư trú của mình và phải có mặt khi có giấy triệu tập.
Biện pháp này chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, lần đầu, có nơi cư trú rõ ràng, có thái độ khai báo thành khẩn, trong trường hợp bị can, bi cáo không bị bắt để tạm giam hoặc đã bị tạm giam nhưng được co quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án cho tại ngoại khi có đủ cơ sở cho rằng họ sẽ không bỏ trốn, không gây cản trở cho việc điều tra, truy tố và xét xử hoặc tiếp tục phạm tội.
Khi áp dụng biện pháp này, cơ quan điều tra , viện kiểm sát hoặc tòa án buộc bị can, bị cáo làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú của mình và phải có mặt khi có giấy triệu tập. Trong trường hợp bị can, bị cáo có lý do chính đáng phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú và phải có giấy phép của cơ quan đã áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Nếu bị can, bị cáo vi phạm cam đoan sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn chặn
Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn để quản lý, theo dõi.
4.5. Biện pháp bảo lĩnh
Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Điều kiện của chủ thể nhận bảo lĩnh quy định tại khoản 4 Điều 92 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nếu cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan.
4.6. Biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có gái trị để bảo đảm
Biện pháp này là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Trong trường hợp bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền hoặc tài sản đã đặt.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An về biện pháp ngăn chặn là gì và các biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật tố tụng hình sự. Nếu Quý khách hàng có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.