Những năm gần đây, phong trào sử dụng máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ như Flycam ngày càng phổ biến. Với mẫu mã đa dạng cùng nhiều tính năng, tiện ích sẵn có, những thiết bị này đang dần trở thành món đồ công nghệ được ưa chuộng đặc biệt là ứng dụng trong hoạt động quay phim chụp ảnh.
Tuy nhiên đa phần người dùng khi sử dụng các thiết bị này chưa nắm rõ quy định của pháp luật về việc có phải xin cấp giấy phép để được sử dụng các thiết bị này hay không? Nếu có thì thủ tục thực hiện như thế nào?
Trong bài viết này, Công ty Luật A&An sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết về vấn đề này. Xin mời các bạn tham khảo!
MỤC LỤC
Cơ sở pháp lý
– Nghị định 36/2008/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 79/2011/NĐ-CP;
– Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg.
1. Flycam là gì?
Flycam còn có tên gọi khác là “Drone with camera” hoặc “Flying Camera” chính là những máy bay không người lái được gắn thêm camera chuyên dùng cho quay phim chụp ảnh trên không.
Hiện nay với sự ra đời của nhiều hãng Flycam cùng nhiều tính năng ngày càng được cải tiến như điều khiển từ xa bằng phần mềm vi tính, cảm biến và hệ thống định vị GPS, do đó Flycam ngày càng được ưa chuộng và ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày.
Căn cứ Khoản 1, Điều 3 Nghị định 36/2008/NĐ-CP giải thích từ ngữ Tàu bay không người lái như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó.”
Theo đó, dưới góc độ pháp lý, Flycam được xem là tàu bay không người lái.
2. Có cần xin giấy phép bay Flycam khi sử dụng hay không
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 14 của Nghị định 36/2008/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng tàu bay không người lái như sau:
“Điều 14. Nghiêm cấm các hành vi
1. Tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay.”
Theo đó, để đảm bảo an toàn hàng không dân dụng và bí mật an ninh quốc gia, tất cả các hoạt động sử dụng tàu bay không người lái, trong đó có Flycam thì trước khi bay phải thực hiện xin phép bay và chỉ được tổ chức bay khi đã được cấp phép theo quy định. Do đó, việc sử dụng Flycam khi chưa được cấp phép là vi phạm pháp luật.
3. Cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép bay đối với Flycam
Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 36/2008/NĐ-CP quy định về Thẩm quyền cấp phép, từ chối, đình chỉ hoạt động bay như sau:
“Điều 8. Thẩm quyền cấp phép, từ chối, đình chỉ hoạt động ba
1. Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu cấp phép, từ chối cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái, các loại khí cầu bay không người điều khiển, các loại mô hình bay, các loại khí cầu có người điều khiển nhưng không cất, hạ cánh từ các sân bay được mở cho hoạt động dân dụng.
– Địa chỉ hộp thư liên lạc: số 1 Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội;
– Số điện thoại liên hệ: 069 533200; 069 533105;
– Số fax: 04 7337994.”
Như vậy, đơn vị duy nhất có thẩm quyền cấp phép bay là Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu.
4. Thủ tục nộp hồ sơ đề nghị cấp phép bay
Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 36/2008/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 79/2011/NĐ-CP quy định về Hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp phép bay như sau:
– Hồ sơ đề nghị cấp phép bay bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp phép bay bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu);
+ Tài liệu kỹ thuật về phương tiện bay, bao gồm ảnh chụp kiểu loại tàu bay hoặc phương tiện bay và bản thuyết minh tính năng kỹ thuật hàng không của loại tàu bay hoặc phương tiện bay đó (theo mẫu);
+ Giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép tàu bay, phương tiện bay thực hiện cất cánh, hạ cánh tại sân bay, khu vực trên mặt đất, mặt nước;
+ Các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến tàu bay, phương tiện bay.
– Trước khi tổ chức các chuyến bay 07 ngày, tổ chức, cá nhân cần nộp đơn đề nghị cấp phép bay đến Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu.
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 15 Nghị định 36/2008/NĐ-CP, sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 79/2011/NĐ-CP quy định về Thời hạn cấp phép bay như sau:
“Điều 15. Thời gian cấp phép, từ chối hoạt động bay
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu cấp phép tổ chức thực hiện các chuyến bay.”
5. Sử dụng Flycam khi chưa được cấp phép bị xử phạt như thế nào
Căn cứ theo Điểm đ, Khoản 2, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau:
“Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
đ) Sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép;”
Căn cứ Khoản 2, Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền như sau:
“2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”
Như vậy, khi sử dụng Flycam mà chưa được cấp phép bay thì mức phạt tiền đối với:
– Cá nhân là từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
– Tổ chức là từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điểm a, Khoản 13, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật.
Ví dụ về trường hợp xử phạt do sử dụng Flycam khi chưa được cấp phép
Thời gian qua, một số trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trên như:
Ngày 26/10/2023, Công an huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình xử phạt vi phạm hành chính đối với Hà Công M, sinh năm 1988, trú tại tổ dân phố Văn, thị trấn Mai Châu do có hành vi sử dụng Flycam để bay và quay lại cảnh khu vực thị trấn Mai Châu với độ cao tối đa đạt 4.200m khi chưa được cấp phép bay.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư A&An vấn đề bay Flycam khi chưa được cấp phép bị xử phạt như thế nào và các vấn đề liên quan.
Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo Hotline 0911092191 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.